Tuyên Quang: Phạt 600 triệu đồng doanh nghiệp vi phạm trong khai thác khoáng sản

30/03/2023 09:10 Chính sách - Pháp luật
Ngày 09/3 UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 09/QĐ-XPHC đối với Công ty TNHH điện tử Sơn Nam với tổng số tiền 600 triệu đồng vì những vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 13/GP-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Sơn Nam được khai thác khoáng sản quặng felspat và đất làm vật liệu san lấp trong diện tích Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử K-Electronic-II tại Khu công nghiệp Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với diện tích được cấp phép là 11.000m2, , tổng trữ lượng được cấp phép là 100.000m3 với thời gian khai thác là 03 năm. Tuy nhiên trong quá trình khai thác công ty đã thực hiện một số hành vi vi phạm.

Tuyên Quang: Phạt 600 triệu đồng doanh nghiệp vi phạm trong khai thác khoáng sản
Khai thác khoáng sản cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước. (Ảnh minh họa)

Hành vi vi phạm thứ nhất: Vi phạm quy định về công suất được phép khai thác, căn cứ Biên bản làm việc ngày 08/02/2023 của Phòng Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, xác định: Công ty TNHH điện tử Sơn Nam đã khai thác vượt công suất được phép quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản 144% (Khối lượng Công ty đã khai thác trong năm 2022 là 85.321 m3; công suất được phép khai thác trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 13/GP-UBND ngày 19/4/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh là 35.000 m3/năm; khối lượng đã vượt so với công suất là 50.321 m3).

Hành vi vi phạm thứ hai: Vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản, căn cứ Biên bản làm việc ngày 08/02/2023 của Phòng Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, xác định: Công ty TNHH điện tử Sơn Nam đã khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác theo độ sâu từ 03 m đến dưới 05 m trong phạm vi diện tích 1.659 m2.

Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm này được quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định sử đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ.

Mức phạt tiền với hành vi vi phạm thứ nhất là 400 triệu đồng, hành vi vi phạm thứ hai là 200 triệu đồng. Tổng số tiền phạt cho các hành vi vi phạm của Công ty TNHH điện tử Sơn Nam là 600 triệu đồng.

Buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi (về độ sâu) được phép khai thác về trạng thái an toàn; buộc thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường do hành vi khai thác vượt công suất gây ra.

Việc áp dụng quy định của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản của UBND tỉnh Tuyên Quang đối với hành vi khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 03m đến dưới 05m trong phạm vi diện tích từ 0,1ha trở lên không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm có được, được quy định tại điểm b, khoản 10, Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP là chưa đầy đủ .

Công ty đã thực hiện khai thác vi phạm với phạm vi diện tích 1.659 m2 với độ sâu từ 03 m đến dưới 05 m nên cần xác định khối lượng khai thác đã vi phạm này được sử dụng vào mục đích gì, nếu thực hiện chuyển giao cho các đơn vị khác thì giá trị thành tiền là bao nhiêu, để từ đó có cơ sở thu hồi thất thoát ngân sách nhà nước đối với số khoáng sản này./.

Nguyễn Quang
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động