Ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

22/10/2019 10:44 Tác động môi trường
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2019 và Kế hoạch năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể các cấp đã thực hiện tốt các quy chế, cơ chế phối hợp; huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đồng tâm, hiệp lực, chung sức, chung lòng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đề ra...

Về vấn đề môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh, nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên có những chuyển biến mạnh mẽ. Toàn xã hội vào cuộc hưởng ứng các phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần…

uu tien bo tri nguon luc chu dong ung pho bien doi khi hau

Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo tại phiên Khai mạc. Ảnh: Quốc Khánh

Các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đạt kết quả tích cực; tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội, trong đó cơ bản bảo đảm nguồn vốn triển khai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, bảo đảm hoàn thành vào năm 2021 và các công trình sạt lở cấp bách; tích cực chuẩn bị đầu tư một số công trình quan trọng khác kết nối vùng; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu... Ước tính năm 2019, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 89%, tỷ lệ che phủ rừng là 41,85%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tình trạng sử dụng đất đai, tài nguyên vẫn còn lãng phí ở nhiều nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Trung Bộ. Nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế.

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không được chủ quan, cần có những biện pháp cụ thể, làm tốt công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và đặc biệt tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2020, đặc biệt về môi trường, phấn đấu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Thủ tướng khẳng định, ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường; có giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên. Tăng cường hợp tác quốc tế về sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê-kông; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và bảo đảm an ninh nguồn nước. Kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải; giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, tái chế chất thải rắn; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân; từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động