Vĩnh Long: Ủ chua thức ăn gia súc góp phần bảo vệ môi trường

23/08/2023 17:40 Sản phẩm tái chế
Thức ăn thô xanh luôn có vai trò quan trọng đối với gia súc ăn cỏ, tuy nhiên tại một số nơi, khả năng trồng cỏ còn nhiều hạn chế và phụ thuộc vào thời vụ. Do đó, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, trong đó đặc biệt là dây khoai lang ủ chua mang đến sự đa dạng về chủng loại thức ăn, nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của gia súc và tiết kiệm công sức, chi phí cho nông dân, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.
Vĩnh Long: Ủ chua thức ăn gia súc góp phần bảo vệ môi trường

Vĩnh Long là địa phương có diện tích gieo trồng khoai lang nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2005 đến nay, diện tích trồng khoai lang được mở rộng từ huyện Bình Tân sang thị xã Bình Minh, huyện Tam Bình. Bên cạnh nguồn phụ phẩm như rơm, thân bắp thì phụ phẩm từ nghề trồng khoai lang mà cụ thể là dây khoai lang, củ không đạt chuẩn rất dồi dào.

Trong đó, củ khoai tím Nhật được xếp vào loại 3 (củ có trọng lượng dưới 50g, bị gãy, trầy xước) chiếm 10% tổng năng suất và thường có giá chỉ bằng 5% so với khoai loại 1 và 2. Khoai loại 3 này không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và là nguồn phụ phẩm giàu năng lượng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trong khi củ khoai lang có thành phần năng lượng cao thì dây khoai lang có thành phần đạm thô ở mức 17,7% tính theo vật chất khô. Cả 2 nguồn thức ăn này đều được xem là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho gia súc.

Do đó, việc nâng cao giá trị các nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương để phối trộn khẩu phần thức ăn cho bò là điều cần được quan tâm. Theo đó, việc ủ chua cho phép tận thu nhiều nguồn phụ phẩm khác nhau sau khi thu hoạch chính phẩm để làm thức ăn dự trữ cho gia súc, giúp người chăn nuôi bò có nguồn thức ăn thô ổn định quanh năm, khắc phục được tình trạng thiếu thức ăn thô trong thời kỳ khô hạn kéo dài.

Ủ chua còn giúp thức ăn được bảo quản lâu dài nhưng ít tổn thất về mặt dinh dưỡng và chi phí thấp. Điều này giúp khai thác bền vững các nguồn tài nguyên tại chỗ để phát triển chăn nuôi, chủ động được nguồn thức ăn cho bò vào thời điểm khan hiếm thức ăn và góp phần bảo vệ môi trường, mở ra hướng sản xuất phù hợp và phát triển bền vững nghề chăn nuôi bò nói riêng và chăn nuôi gia súc nhai lại nói chung ở địa phương.

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động