Vĩnh Phúc: Cần xây dựng thêm chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp

12/10/2023 08:02 Chính sách - Pháp luật
Các chính sách mới được xây dựng sẽ tạo tính đột phá, "đi trước đón đầu" nhằm tạo nên các điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư cho tỉnh Vĩnh Phúc...

Những năm vừa qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong đó, tập trung thu hút, hỗ trợ các DN mà tỉnh có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế phát triển.

Cụ thể như HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 57 ngày 12/12/2016, Nghị quyết số 43 ngày 18/12/2017 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh, quy định các nội dung hỗ trợ về đất đai; quy hoạch; xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp (KCN); đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh; chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đối với các dự án thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư; chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; chi phí lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh.

Vĩnh Phúc: Cần xây dựng thêm chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp
Các chính sách mới được xây dựng sẽ tạo tính đột phá, "đi trước đón đầu" nhằm tạo nên các điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 57, UBND tỉnh đã ban hành 7 Quyết định triển khai thực hiện các mức hỗ trợ và đối tượng, điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách nội dung nghị quyết tới người dân, DN, các tổ chức kinh tế.

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh và Quyết định số 36/2017 ngày 3/10/2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong các KCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; đưa nội dung này vào trong các tài liệu xúc tiếp đầu tư; giới thiệu tại các buổi làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KCN tỉnh; chỉ đạo các phòng chuyên môn trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu phát hiện dự án đáp ứng điều kiện hưởng hỗ trợ, sẽ hướng dẫn nhà đầu tư đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, đến nay, 2 Nghị quyết số 57 và số 43 của HĐND tỉnh chưa thực hiện hỗ trợ được nội dung nào do gặp nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai. Cụ thể, chính sách hỗ trợ về đất đai, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào KCN chưa phù hợp với quy định tại Điều 62, Luật Đất đai năm 2013; chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong việc lập quy hoạch chi tiết, chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp, chi phí lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương quy định tại Điều 38, Luật Ngân sách Nhà nước...

Theo đánh giá của các ngành chức năng, quá trình triển khai thực tế cho thấy, hiệu ứng, tác động của các cơ chế chính sách hỗ trợ DN theo các Nghị quyết này chưa hiệu quả, nhất là đối với DN nhỏ, DN DDI trong tỉnh. Mức hỗ trợ thấp, thủ tục rườm rà, phức tạp nên không thu hút DN tham gia.

Thực tế DN cần hỗ trợ về tiếp cận vốn, thuế, phí, mặt bằng nhưng các quy định, điều kiện khó thay đổi, nhiều khi không nhất quán nên DN ít được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ.

Nội dung hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong các KCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 57/2016 của HĐND tỉnh và Quyết định số 36/2017 của UBND tỉnh là một chính sách mới, đặc thù, chỉ có riêng của tỉnh, nhằm ưu tiên thu hút các dự án chất lượng cao vào KCN nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh giai đoạn 2016 -2020.

Việc phối hợp giữa các sở, ngành để giải quyết vướng mắc cho DN chưa linh hoạt, những vướng mắc về đất đai nhiều năm không giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng lớn đến việc ra quyết định đầu tư của DN, nhà đầu tư.

Hệ sinh thái hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng mềm như các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao; khu vui chơi giải trí; trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm thử nghiệm; hệ thống các DN phụ trợ còn yếu và thiếu...

Điều đó đòi hỏi trong giai đoạn mới, tỉnh cần xây dựng thêm chính sách đặc thù để hỗ trợ giảm chi phí đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh thay thế Nghị quyết số 57 và Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh, trong đó, cần tập trung giải quyết các khó khăn và thách thức trong quá trình thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hiện nay.

Các chính sách mới được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, tạo tính đột phá, "đi trước đón đầu" nhằm tạo nên các điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các DN lớn; xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong tình hình mới, góp phần đón làn sóng dịch chuyển đầu tư hiện nay.

Minh Phú

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động