Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo định hướng nhanh và bền vững

27/10/2022 13:07 Tăng trưởng xanh
Nhờ những chính sách mang tính đột phá, từ một tỉnh thuần nông, sau 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Trước những làn sóng đầu tư mới, các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh cũng thay đổi linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tận dụng các lợi thế có tháp dân số trẻ cùng vị trí địa lý thuận lợi nằm liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt là nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Quảng Ninh - Vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc, ngay khi tái lập năm 1997, Vĩnh Phúc đã xác định mục tiêu: “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ - du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”.

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo định hướng nhanh và bền vững
Sau 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Chủ động về quỹ đất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc, ưu đãi thuế, tiếp cận vốn, đào tạo và tuyển dụng lao động.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Trong giai đoạn 10 năm gần đây (2011-2020), tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 9,92%/năm, đóng góp 3,57 điểm phần trăm vào tăng trưởng nền kinh tế, cao hơn rất nhiều so với ngành dịch vụ (đóng góp 2,27 điểm %), ngành nông nghiệp (đóng góp 0,18% điểm) và ngành xây dựng (đóng góp 0,53 điểm %).

Từ chỗ chỉ có 1 KCN với quy mô 50 ha (KCN Kim Hoa-Mê Linh) vào năm 1998, đến nay, tỉnh có 18 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích trên 5.200 ha, 32 CCN diện tích gần 700 ha; trong đó, có 8/12 KCN đã đi vào hoạt động, 16 CCN đã có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng với sự hiện diện của nhiều Tập đoàn toàn cầu như Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản); Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); Partron Vina, Haesung Vina, Cammsys (Hàn Quốc); Prime Group (Thái Lan);…

Sản phẩm ô tô, xe máy, điện tử là sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó linh kiện điện tử là sản phẩm chủ lực mới..., giúp Vĩnh Phúc từ tỉnh phải nhận hỗ trợ từ Trung ương vươn lên trở thành địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương từ năm 2004 đến nay.

Trên cơ sở "Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035", trong đó định hướng đến năm 2025 là: "Từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp".

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.

Để thực hiện mục tiêu này, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra là "Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo" và một trong 3 "khâu đột phá" được xác định là: "Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước".

Định hướng trên hoàn toàn phù hợp trên cơ sở định hướng thu hút đầu tư ngành công nghiệp mà tỉnh đã đề ra là tiếp tục khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô, xe máy; điện tử, tin học; cơ khí chế tạo; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày,…

Thực tế trong 10 năm trở lại đây, giá trị công nghiệp của tỉnh được đóng góp chủ yếu từ hai nhóm ngành: Cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị điện với tỷ trọng duy trì chiếm từ 86 - 90% trong cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh.

Với tốc độ tăng rất cao, đạt 56,6%/năm (2011-2020), ngành sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện đã và đang trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh; các DN FDI trong ngành khá đông đảo và chiếm gần 50% DN FDI toàn tỉnh, trong đó có đến 90 DN có quy mô lớn.

Hầu hết các sản phẩm của các DN này đang được xuất khẩu hoặc cung ứng cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam Samsung, LG, Panasonic,…. Mặc dù vậy, công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại vẫn là ngành có vị trí “xương sống”, đóng góp giá trị sản xuất ổn định và lớn nhất trong các giai đoạn phát triển công nghiệp của tỉnh.

Việc đề ra và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với làn sóng đầu tư nước ngoài và theo hướng phát triển có chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp Vĩnh Phúc tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động