Vĩnh Phúc: Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái

22/08/2019 16:16 Tăng trưởng xanh
Cảnh quan hữu tình với những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp bao quanh các hồ nước nên thơ là yếu tố thuận lợi để tỉnh ta phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên hiện nay, du lịch sinh thái ở Vĩnh Phúc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn thiếu các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn; nhiều dự án đã được quy hoạch nhưng còn khó khăn trong kêu gọi nhà đầu tư.
Kiểm toán môi trường và quản lý sinh thái - Một số thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai thực hiện Phát triển các khu công nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường

Nhắc đến du lịch sinh thái của Vĩnh Phúc phải kể đến vẻ đẹp của dãy núi Tam Đảo với ba đỉnh núi đã đi vào huyền thoại: Rùng Rình, Thiên Thị và Thạch Bàn. Dãy núi Tam Đảo uốn lượn bao bọc quanh các địa danh nổi tiếng có lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái như: Hồ Xạ Hương, làng Hà, suối Son, thác Bản Long…

vinh phuc khai thac hieu qua tiem nang du lich sinh thai

Mô hình du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm của anh Lâm Văn Trung ở xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) hấp dẫn du khách. Ảnh: Kim Ly

Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định: Hồ Xạ Hương hay dãy núi Tam Đảo có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch sinh thái, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là du lịch nghỉ dưỡng, thăm thú cảnh quan thiên nhiên. Tại một số tỉnh bạn như Lào Cai đã thiết kế được tour “Chinh phục đỉnh Fanxipan” thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Với tỉnh ta, chúng tôi đã gợi ý các công ty lữ hành đưa vào khai thác tour mạo hiểm, khám phá “Chinh phục 3 đỉnh Tam Đảo”.

Tuy nhiên, các đơn vị vẫn còn khá dè dặt vì việc xây dựng loại hình tour này cần nguồn vốn lớn và phải đặt yếu tố chuyên nghiệp, nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo vận hành tour lên hàng đầu. Hay như hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Tam Đảo, nơi đây là địa điểm lý tưởng để khám phá các loài động thực vật đặc trưng, đặc hữu. Lượng khách đến với Vườn quốc gia Tam Đảo những năm gần đây tăng nhẹ, chủ yếu là các nhà khoa học, sinh viên các trường đại học trong và ngoài nước với mục đích chính là nghiên cứu, rất ít khách nội địa yêu thích muốn tìm hiểu, khám phá về địa danh này.

Năm 2017, tỉnh ta đã quy hoạch dự án phát triển du lịch, dịch vụ khu vực núi Sáng, hồ Bò Lạc và hồ Vân Trục tại huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch, tầm nhìn đến năm 2030. Dự án này được xem là điểm nhấn , tạo cú hích để tận dụng hiệu quả tiềm năng du lịch của 2 địa phương , từ đó, tạo đà phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trong dự án, tỉnh định hướng xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Vân Trục – hồ Bò Lạc (quy mô khoảng 800 ha). Các sản phẩm chủ đạo tại đây là du lịch mạo hiểm, leo núi, dã ngoại, các dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp, du lịch thể thao, tổ chức hội nghị, hội thảo, thưởng thức ẩm thực sông nước của vùng kết hợp với tham quan các mô hình nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và tìm hiểu nét văn hóa của người dân bản địa.

Ông Vũ Đình Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Trục (Lập Thạch) cho biết: Nắm bắt được định hướng của tỉnh, người dân địa phương rất hồ hởi, phấn khởi. Đảng ủy, UBND xã đã họp bàn và thống nhất phương án vận động giải phóng mặt bằng, thực hiện công tác di dời các hộ dân có đất thuộc vùng quy hoạch dự án du lịch sang khu vực mới; đẩy mạnh công tác định hướng, từng bước thay đổi tư duy, cách làm cho bà con, hướng đến xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hộ gia đình, phát triển các sản phẩm ẩm thực, lưu niệm đặc trưng của vùng. Trên thực tế, vì dự án du lịch, dịch vụ tại 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch vẫn đang chờ nhà đầu tư xứng tầm nên chưa được thực hiện. Trước mắt, địa phương đã nghĩ đến phương án tận dụng các vườn trồng thanh long ruột đỏ của địa phương để phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, tuy nhiên, lượng du khách còn khá lẻ tẻ.

Mặc dù các dự án lớn trong phát triển du lịch sinh thái còn gặp nhiều khó khăn trong công tác kêu gọi đầu tư, tốc độ phát triển chưa xứng với tiềm năng, tuy nhiên, điều đáng mừng là một số mô hình du lịch sinh thái quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh đã bước đầu đem lại hiệu quả. Trong đó, phải kể đến tour FLC eco farm thuộc quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc. Trên diện tích trang trại rau sạch, khu sản xuất, khu chăn nuôi, nhà sàn, ao cá, du khách sẽ được trải nghiệm hành trình một ngày tập làm nông dân, tham gia các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn đồng quê. Hay tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Ngọc Thanh, Phúc Yên), đây cũng là địa điểm lý tưởng để khám phá rừng tự nhiên ven chân núi; cắm trại; tham quan, tìm hiểu về các loài động thực vật tại các khu vực nuôi trồng bảo tồn, cứu hộ.

Du lịch sinh thái không chỉ đem lại nguồn lợi lớn trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân mà nó còn có ý nghĩa lớn trong bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa, góp phần gìn giữ môi trường. Vì vậy, loại hình du lịch này cần được ưu tiên phát triển bằng việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ độc đáo; nâng cao chất lượng dịch vụ; có chính sách mở để thu hút nhà đầu tư; đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh; thay đổi tư duy của người dân trong phát triển du lịch.

Quỳnh Hương
Báo Vĩnh Phúc
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động