WIPO hỗ trợ Việt Nam cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo

04/10/2019 10:12 Công nghệ, thiết bị
Ngày 3/10, hai Thỏa thuận về Phát triển môi trường Sở hữu trí tuệ (SHTT) kiến tạo và cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo đã được ký kết giữa Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với Cục Sở hữu trí tuệ và Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN).
Nhiều chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng vượt bậc

Theo đó, WIPO sẽ hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Dự án “Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo” trong thời gian 5 năm từ 2019 đến 2023, nhằm nâng cao năng lực về SHTT và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ của các viện nghiên cứu và trường đại học trong hoạt động nghiên cứu/sáng tạo, đăng ký và thương mại hóa các sáng chế, cũng như chuyển giao công nghệ. Đội ngũ này sẽ đóng vai trò trung tâm giúp nâng cao số lượng, chất lượng và giá trị thương mại của sáng chế trong các viện nghiên cứu và trường đại học, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng, khai thác thông tin sáng chế để tránh trùng lặp trong nghiên cứu.

wipo ho tro viet nam cai thien chi so doi moi sang tao
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT và Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry ký kết Thỏa thuận về Dự án “Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo.

Dự án sẽ hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu tăng cường năng lực phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ thông qua việc trang bị các công cụ, kỹ năng và kiến thức phù hợp; thúc đẩy sự phối hợp giữa các trường đại học và doanh nghiệp thông qua hoạt động liên kết, quan hệ đối tác, phối hợp, tương tác và giao dịch về thương mại hóa công nghệ.

Kết quả của Dự án sẽ thiết lập một Mạng lưới các chuyên gia về công nghệ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng về SHTT và các lĩnh vực có liên quan khác, cũng như xây dựng được một Trục xoay và các Nan hoa, trong đó Cục Sở hữu trí tuệ đóng vai trò là Trục, còn các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp đóng vai trò là Nan hoa.

Về Bản ghi nhớ hợp tác giữa WIPO và VISTI, trong đó nêu rõ, WIPO sẽ hỗ trợ VISTI thực hiện các nghiên cứu liên quan tới Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), hỗ trợ xây dựng năng lực trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo (STI) và tiếp cận cơ sở dữ liệu về SHTT của WIPO, nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng của các nghiên cứu viên Việt Nam trong các lĩnh vực về SHTT và STI, bao gồm GII.

Hai bên sẽ thực hiện các nghiên cứu và phân tích cấp quốc gia về kết quả GII cụ thể đối với Việt Nam; hỗ trợ hoạt động đào tạo sau đại học về SHTT ở Việt Nam theo hướng cùng xây dựng các chương trình đào tạo chung; tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng về SHTT và STI cũng như về GII…

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell (Mỹ) thực hiện. Năm 2019, việc tính toán chỉ số GII có thay đổi về chỉ số, nguồn dữ liệu và phương pháp tính toán. Theo đó, có 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số, chia thành 7 trụ cột chính, trong đó 5 trụ cột đầu vào (thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, thị trường và môi trường kinh doanh), 2 trụ cột đầu ra (sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo).

Tháng 7 vừa qua, WIPO đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019. Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế (năm 2018 là 45/126), vươn lên thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Mai Lan
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động