Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể đến sớm
Gần 300 triệu người sẽ mất nhà do nước biển dâng vào năm 2050 ASEAN tiếp tục nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường Syngenta dành 2 tỉ USD giúp ngành nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, mực nước thượng lưu sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5m đến 5,0m; ở trung và hạ lưu thấp hơn từ 2,5m đến 3,5m. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long tại trạm Kratie (Campuchia) thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 48%, tương đương năm 2010 (năm thiếu hụt kỷ lục).
Cùng với việc các thủy điện trên dòng chính ở thượng lưu và các thủy điện dòng nhánh tích nước sử dụng cho mục đích riêng, dẫn đến mùa khô năm 2019-2020 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều dẫn đến thiếu nước trầm trọng và xâm nhập mặn gia tăng.
Ảnh minh họa. |
Các chuyên gia khí hậu và thời tiết nhận định, khả năng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2019 thay vì tháng 3, tháng 4 năm 2020 với mức độ khốc liệt. Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố khu vực này cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Ðại học Cần Thơ) cho biết, năm nay, hiện tượng El Nino trở lại khu vực, lượng nước mưa khá thấp. Tiếp đó là chuỗi các đập thủy điện ở thượng nguồn đều đồng loạt tích nước vào các hồ chứa, lượng nước xả về hạ lưu rất ít. Nếu các tỉnh đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chạy theo làm lúa vụ 3 (vụ Thu Đông) sẽ làm các tỉnh vùng ven biển khan hiếm nước hơn, nước mặn sẽ theo thủy triều dấn sâu hơn vào đất liền và có nhiều nguy cơ nhiễm mặn cả những vùng nước ngọt trước đây như Cần Thơ, Vĩnh Long và sẽ mở rộng ở các tỉnh còn lại...
"Do đó, Trung ương và các địa phương cần phải có những dự báo sớm dựa vào các mô hình phỏng đoán trên thế giới, khu vực để có những chỉ đạo và khuyến cáo cho người dân. Về ngắn hạn, cần giảm các diện tích canh tác lúa ở những vùng gò cao, các vùng ven biển, chuyển một phần diện tích trồng lúa sang những cây trồng cạn ít tiêu thụ nước hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích và hỗ trợ nông dân tìm mọi cách trữ nước ở các vùng trũng như ao hồ, các kênh mương… và các lu chứa, bể chứa nước mưa. Người dân cần sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Về dài hạn, cần vận dụng các biện pháp ngoại giao, luật pháp và kinh tế để yêu cầu các quốc gia thượng nguồn phải xem Mê Kông là dòng sông chung cho khu vực, các nước phải có trách nhiệm chia sẻ nguồn tài nguyên chung này..." - PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết.