Gần 300 triệu người sẽ mất nhà do nước biển dâng vào năm 2050

30/10/2019 15:20 Tác động môi trường
Một nghiên cứu khoa học mới cho thấy, nhiều khu vực ven biển, trong đó có miền Nam Việt Nam sẽ ngập dưới nước ở đỉnh triều do nước biển dâng vào năm 2050.
85% thành phố cảm nhận được biến đổi khí hậu, nhưng gần một nửa không đối phó Thông điệp môi trường qua những bức ảnh đoạt giải CIWEM 2019 Thế giới đã làm gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức khoa học Climate Central (New Jersey, Mỹ), được công bố trên Tạp chí Nature hôm 29/10, hiện tượng nước biển dâng sẽ xoá sổ nhiều thành phố lớn ven biển vào năm 2050, khiến số dân cư bị ảnh hưởng tăng gấp 3 lần.

Các chuyên gia đã sử dụng các chỉ số vệ tinh để tính toán độ cao của đất liền và tốc độ nước biển dâng trong phạm vi lớn. Kết quả cho thấy, so với những tính toán trước đây sẽ có thêm 54 triệu người bị ảnh hưởng, nâng tổng số lên 237 - 300 triệu người vào năm 2050; trong đó có 20 triệu cư dân ở miền Nam Việt Nam.

Nếu lượng khí thải carbon không được kiểm soát, con số trên sẽ lên tới 630 triệu người vào năm 2100.

gan 300 trieu nguoi se mat nha do nuoc bien dang vao nam 2050

Tính toán mới cho thấy ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng sẽ mở rộng đáng kể vào năm 2050. Ảnh: Climate Central.

Phần lớn khu vực bị ảnh hưởng nằm ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đại lục, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Mức độ ảnh hưởng có thể trầm trọng hơn khi thuỷ triền lên.

Nghiên cứu cho thấy, tại Thái Lan, hơn 10% dân số đang sống trên các khu vực có khả năng bị ngập lụt vào năm 2050, gấp 10 lần so với ước tính trước đó. Thủ đô Bangkok cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Chia sẻ với New York Times, bà Loretta Hieber Girardet - cư dân ở Bangkok, cán bộ Liên hợp quốc cho rằng, các hiện tượng khí hậu tiêu cực sẽ khiến nông dân nghèo các thành phố để tìm việc làm, làm cho các vấn đề về môi trường thêm nghiêm trọng.

Tại Thượng Hải, tình trạng nước biển dâng cũng đe doạ trung tâm thành phố và nhiều khu vực lân cận.

Ảnh hưởng nghiêm trọng của nước biển dâng có thể thấy rõ nhất tại Indonesia. Chính phủ nước này gần đây đã công bố kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta đến Borneo vì Jakarta hiện là thành phố chìm nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này không đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho các khu vực chịu ảnh hưởng. Các số liệu mới nhất cho thấy khoảng 110 triệu người ở các khu vực này đang ở dưới mức nước ở đỉnh triều. Điều này được ông Benjamin Strauss - Giám đốc điều hành Climate Central giải thích là nhờ các biện pháp xây dựng đê biển và tường bao.

Bên cạnh đó, ông Strauss cũng nhấn mạnh, mọi biện pháp xây dựng, đầu tư cho phòng chống chỉ có tác dụng nhất định. Để làm rõ hơn quan điểm của mình, ông lấy ví dụ trường hợp bão Katrina đã phá vỡ hệ thống đê và bờ bao, khiến thành phố New Orleans chìm trong nước

Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo các quốc gia nên bắt đầu chuẩn bị cho công tác tái định cư từ bây giờ.

Nhận thức được tình hình nghiêm trọng hiện tại, bà Dina Ionesco thuộc tổ chức International Organization for Migration lên tiếng: "Chúng tôi đang cố gắng cảnh báo mọi người trước khi quá muộn. Nếu có thể triển khai, đây có thể là một trong những đợt di dân có quy mô lớn nhất”.

Mực nước biển dâng là hệ quả của ô nhiễm bẫy nhiệt từ các hoạt động của con người, khiến các tảng băng và sông băng tan chảy, làm tăng lượng nước chảy vào các đại dương, tăng khả năng lũ lụt ven biển, dẫn đến phá hủy cơ sở hạ tầng, mùa màng và đe dọa toàn bộ thành phố. Dựa trên các hoạt động của con người, mực nước biển có thể tăng lên khoảng 0,6 - 2,1m trong thế kỷ 21, hoặc thậm chí có thể hơn.

"Trong những thập kỷ tới, mực nước biển dâng cao có thể phá vỡ các nền kinh tế và gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới" - đại diện Climate Central nói.

Diệu Anh
Theo cbsnews
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động