Yên Bái: Các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh
Theo báo cáo của Sở Công Thương Yên Bái và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 8.967 tỷ đồng, tăng 4,53% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có quy mô sản xuất lớn, chất lượng ổn định, tạo được thương hiệu trên thị trường và có mức tăng trưởng cao, như: Quặng sắt và tinh sắt chưa nung kết, tăng 72,23%; chè tăng 49,11%; ván ép từ gỗ tăng 85,67%; giấy làm vàng mã tăng 7,26%; điện sản xuất tăng 15,44%...
Tính chung 6 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 7,64% so với cùng kỳ năm 2020. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 24,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 13,85%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,5%.
Ảnh minh họa |
Các doanh nghiệp sản xuất chè, tinh bột sắn, tinh dầu quế, chế biến gỗ rừng trồng vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định; các sản phẩm ván ghép thanh, ván ép, ván xẻ thanh, ván bóc có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ do ổn định thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 23 nhà máy thủy điện với tổng công suất thiết kế 469,9MW, sản lượng điện sản xuất 5 tháng đạt 438,3 triệu KWh; điện thương phẩm đạt 423,6 triệu KWh; hệ thống đường dây truyền tải, phân phối điện vận hành ổn định, an toàn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt.
Hoạt động của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chịu nhiều tác động hơn do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, một số thị trường chính bị ảnh hưởng dịch bệnh như Ấn Độ, Trung Quốc; thiếu container rỗng, chi phí vận tải biển tăng cao. Đá bột, đá hạt CaCO3, felspat bột, chì kẽm là những sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều; một số chuyên gia, công nhân nước ngoài do dịch bệnh chưa sang Việt Nam để tham gia hoạt động sản xuất nên ảnh hưởng tiến độ một số dự án.
Hoạt động du lịch, mua sắm, tiêu dùng, vui chơi, giải trí, giáo dục và đào tạo, lữ hành, ăn uống đều giảm nên ảnh hưởng trực tiếp đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, trong tháng 5/2021 giảm 9,8% so với cùng kỳ nhưng 5 tháng vẫn có sự tăng trưởng khá (18%) so với cùng kỳ.
Công ty Xăng dầu Yên Bái, Công ty cổ phần Vận tải thủy bộ Yên Bái, Tổng Công ty Hòa Bình Minh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Phượng, Công ty TNHH Tuấn Tuyết Yên Bái, Vincom Yên Bái... tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ đạo, tham gia bình ổn thị trường, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.
Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì được sản xuất, kinh doanh theo đơn hàng đã ký. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 83 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu tăng ở nhóm hàng khoáng sản: đá Block, đá xẻ, sỏi trắng nhân tạo... và nhóm sản phẩm may mặc (quần áo may sẵn), nhóm sản phẩm hạt nhựa, chất dẻo.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, duy trì sản xuất và sản lượng đối với các sản phẩm chính, đảm bảo kế hoạch năm: chè búp tươi đạt 37.400 tấn, quế vỏ khô đạt 5.000 tấn, tinh dầu quế đạt 300 tấn, măng tươi đạt 25.000 tấn, thịt hơi xuất chuồng đạt 6.500 tấn, thủy sản đạt 5.500 tấn...
10 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực chính và 10 nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, hiện tại sản lượng không lớn và chủ yếu cung cấp cho các cơ sở, nhà máy chế biến trên địa bàn nên vẫn duy trì tiêu thụ ổn định. Mận, nhãn, vải, dứa... đang vào vụ thu hoạch nhưng sản lượng thấp nên chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Sản phẩm lúa gạo, gia súc, gia cầm sản xuất hiện nay mới chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu như: chè đen, quế thanh, tinh dầu quế, sản phẩm tinh bột sắn, gỗ rừng trồng, măng tre Bát độ vẫn duy trì được thị trường xuất khẩu theo các đơn hàng đã ký sang các nước: Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc.
Các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm sản đang gặp khó khăn bởi giá nguyên vật liệu trong nước và nhập khẩu nước ngoài tăng cao trong khi giá bán sản phẩm không tăng; thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp bị thu hẹp, giảm sản lượng, giảm giá bán; chi phí vận tải, thuê container, chi phí xăng dầu tăng. Nhiều sản phẩm đang được xuất khẩu sang các thị trường chính như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... nhưng các nước này cũng đang tập trung chống dịch nên có bị ảnh hưởng. Sản phẩm graphit của Công ty TNHH Tập đoàn Grafite Việt Nam hiện tồn kho 10.000 tấn chưa xuất khẩu vì hết thời gian xuất khẩu theo quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016 của Bộ Công Thương…
UBND tỉnh đã đề xuất Chính phủ tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, miễn, giảm tiền điện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở được sử dụng để cách ly tập trung, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn... Ngoài ra, đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trực tuyến để quảng bá, tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ; xem xét cho phép Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam được tiếp tục xuất khẩu sản phẩm tồn kho.
Trong thời gian tới, ngành Công thương Yên Bái phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (so sánh 2010) mỗi tháng đạt trên 1.200 tỷ đồng trở lên, cả năm phấn đấu đạt 14.200 tỷ đồng. Theo đó, ngành sẽ tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy Yên Bái; Chương trình hành động số 02/CTr-UBND của UBND tỉnh Yên Bái. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 đối với một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch, bệnh../.