4 nhóm tiêu chí Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường
Đà Nẵng: Hành động giảm thiểu rác thải nhựa |
Công tác thu gom rác thải trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn nhiều bất cập. |
Trong đó, nhóm tiêu chí về môi trường không khí, không gian xanh: 8 thông số; nhóm tiêu chí về môi trường nước: 10 thông số; nhóm tiêu chí về môi trường đất, chất thải rắn; 10 thông số và nhóm tiêu chí về quản lý tổng hợp:11 thông số.
Mỗi ngày, Thành phố Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự kiến từ năm 2020 - 2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; 2025 - 2030 phát sinh hơn 2.400 tấn/ngày; 2030 - 2040 phát sinh hơn 3.000 tấn/ngày. Những con số cảnh báo này cho thấy đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều lực về vấn đề rác thải trong tương lai.
Tồn tại hiện nay là gia tăng tình trạng rác thải bừa bãi, thiếu trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật đối với chất thải rắn (trạm trung chuyển, điểm tập kết…); công nghệ xử lý lạc hậu, ô nhiễm kéo dài; chậm triển khai xã hội hóa trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, thủ tục đầu tư còn vướng mắc. Nước thải cũng là vấn đề “nóng” của Thành phố hiện nay. Hệ thống thu gom nước thải quá tải tại một số khu vực phát triển nhanh; khu vực nông thôn phần lớn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Các trạm xử lý nước thải đô thị cũ, công nghệ lạc hậu, kết cấu bể, thiết bị cũ, xuống cấp nên tỷ lệ thu gom đạt khoảng 60%, tỷ lệ nước thải xử lý đạt 42%. Vì thế, sự cố thường xuyên xảy ra, có phản ánh do ô nhiễm. Các hệ thống bố trí gần khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh. Nguồn vốn đầu tư xây dựng mới các khu đất công viên, vườn hoa, đất cây xanh quanh các hồ điều tiết… chưa được bố trí, không đáp ứng được mục tiêu tăng nhanh diện tích mảng xanh tập trung…
Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu hướng đến năm 2045 là trở thành thành phố sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí về thành phố sinh thái của khu vực và quốc tế đến. Để thực hiện mục tiêu nói trên, trước mắt, từ nay đến năm 2045, thành phố đã đặt ra 40 nhiệm vụ kiểm soát tốt chất lượng môi trường của thành phố cùng 30 tiêu chí về chất lượng môi trường nước; môi trường không khí, không gian xanh; môi trường đất, chất thải rắn; quản lý tổng hợp liên quan đến môi trường.
Về môi trường nước, quy hoạch và bảo vệ tốt các nguồn nước cấp phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn thải trên các sông, biển, hồ, đầm; xử lý các điểm nóng môi trường nước, không tái ô nhiễm ở các điểm nóng môi trường đã được xử lý giai đoạn trước. Kiểm soát toàn bộ chất lượng nước thải đô thị, công nghiệp ra môi trường, cải thiện vấn đề ngập úng trên địa bàn thành phố, đặc biệt ở các khu vực nội thị. Nâng cao chất lượng cấp nước khu vực đô thị, vùng nông thôn, bảo đảm năng lực cấp nước dự phòng cao, có khả năng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Về môi trường không khí, không gian xanh, bảo đảm bảo chỉ số ô nhiễm chất lượng không khí luôn dưới 100, tiếng ồn, bụi được kiểm soát chặt chẽ. Chất lượng môi trường không khí, giao thông được cải thiện thông qua các biện pháp kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới đường bộ, phát triển mạnh hệ thống giao thông vận tải công cộng, khuyến khích đầu tư các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, điện năng. Kiểm soát các nguồn khí thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ảnh hưởng đến khu dân cư, đô thị. Tăng diện tích cây xanh công cộng đạt mức trên quy chuẩn quốc gia (12m2/người); bảo đảm mục tiêu trồng rừng, xã hội hóa công tác chăm sóc, trồng rừng.
Về môi trường đất, chất thải rắn, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường những nơi bị ô nhiễm. Quản lý chất thải rắn đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý; tăng chất lượng thu gom và xử lý đạt yêu cầu đối với chất thải rắn theo mục tiêu chiến lược quốc gia đã đề ra; chất thải nguy hại công nghiệp, y tế được kiểm soát nghiêm ngặt. Về quản lý tổng hợp liên quan đến môi trường, các kế hoạch phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp được lồng ghép theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường. Hệ thống quản lý môi trường được đầu tư, kiện toàn, đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu quản lý môi trường bền vững. Cộng đồng, doanh nghiệp được huy động, chủ động tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố môi trường…