5 lĩnh vực ưu tiên phát triển bền vững ngành năng lượng
Giải quyết điểm nghẽn cho phát triển năng lượng tái tạo |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. |
Bản báo cáo Tiến độ năm 2019 được xây dựng bởi năm Nhóm Công tác kỹ thuật VEPG (TWGs) tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 năm 2018, đã phân tích tiến trình thực hiện 40 khuyến nghị chính sách hướng đến quá trình xây dựng và phát triển của các chính sách trọng tâm và những hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong năm lĩnh vực ưu tiên chính.
Đặc biệt, Bản báo cáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của VEPG trong việc tạo ra cơ chế hợp tác hiệu quả và nền tảng đối thoại có giá trị; đưa chính phủ, các đối tác phát triển và những bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng đến gần nhau hơn, để cùng nhau hoạch định và đưa ra những khuyến nghị đối với các chính sách mang tính chiến lược trong lĩnh vực này.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các nhóm công tác kỹ thuật trong năm 2019, đồng thời gợi mở những thách thức còn tồn tại trong ngành năng lượng mà các bên cần nhận thức và cố gắng giải quyết trong những năm tới.
“Ngành năng lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế cũng như phúc lợi của người dân Việt Nam. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải có chiến lược mạnh mẽ và có tầm nhìn xa để hỗ trợ quá trình chuyển đổi Việt Nam sang một nền kinh tế hiện đại, xanh và toàn diện” – ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh thêm.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng bày tỏ mong muốn, Hội nghị sẽ đưa ra các khuyến nghị chính sách hiệu quả cho các cơ quan liên quan của Việt Nam về phát triển ngành năng lượng. Trong đó, mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo; nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng điện của nền kinh tế.
Ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để chung tay nhìn nhận và đánh giá lại quá trình phát triển theo hướng bền vững hơn, chuyển dịch từ các nguồn năng lượng ô nhiễm sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
“Tác động của biến đổi khí hậu là rất nghiêm trọng và ngày càng tăng lên về tần suất và cường độ, cả ở Việt Nam và trên thế giới. Quá trình chuyển đổi của từng quốc gia cũng như của thế giới sang các hệ thống năng lượng sạch phải được đẩy nhanh, với cam kết đầy tham vọng từ các chính phủ và với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đối tác phát triển. Liên minh châu Âu giữ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với giá phải chăng cho tất cả mọi người và bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam”, ông Pier Giorgio Aliberti khẳng định.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank), ông ng Ousmane Dione cũng cho rằng, thách thức mà chúng ta đối mặt là bảo đảm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, đồng thời tôn trọng các cam kết về môi trường, bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng một cách thận trọng về mặt tài chính. Tiếp tục cải cách chính sách mạnh mẽ và tiếp cận toàn hệ thống một cách cân bằng là rất cần thiết cho sự phát triển của ngành năng lượng. Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các đối tác phát triển để tạo ra một ngành năng lượng mang đẳng cấp thế giới tại Việt Nam.
Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) được thành lập vào tháng 6/2017, nhằm hướng đến sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia. Hiện nay, hoạt động của Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì và đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới là đồng chủ trì. |