Bắc Ninh với nỗ lực “xanh hóa” trong tăng trưởng kinh tế

16/05/2025 14:15 Tăng trưởng xanh
Những năm qua, tăng trưởng xanh đang được Bắc Ninh lựa chọn là một mô hình ưu tiên; giai đoạn 2023-2030 các giải pháp căn cơ được đưa ra đó là: Xanh hóa sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh...

Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giữ vững vị trí một trong 5 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Kết quả đó đã khẳng định mục tiêu, định hướng đúng đắn trong công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế của địa phương.

Những năm qua, tăng trưởng xanh đang được Bắc Ninh lựa chọn là một mô hình ưu tiên. Theo đó, giai đoạn 2023-2030 các giải pháp được đưa ra đó là: Xanh hóa sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh. Định hướng này đang dần được cụ thể hóa những giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo.

Bắc Ninh với nỗ lực “xanh hóa” trong tăng trưởng kinh tế
Giai đoạn 2023-2030 các giải pháp được tỉnh Bắc Ninh đưa ra đó là: Xanh hóa sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh.

Chính thức được Viglacera công bố ra mắt vào tháng 2-2024, “Thuan Thanh Eco-Smart IP" là bước đi tiếp theo của Viglacera trong hành trình xây dựng các khu công nghiệp xanh, thông minh, nhằm từng bước góp phần thu nhỏ “Dấu chân các-bon”. Theo chủ đầu tư, Dự án Khu công nghiệp xanh, Thuan Thanh Eco-Smart IP tập trung vào các giải pháp xanh, giải pháp thông minh đồng bộ. Tại đây, doanh nghiệp sẽ tái sử dụng nước thải làm nước tưới cây, cũng như tái sử dụng bùn thải không nguy hại. Cùng với đó, KCN này còn ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh, sử dụng pin năng lượng mặt trời tập trung, tối ưu hóa năng lượng tái tạo, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch... Lượng phát thải ra môi trường được kiểm soát chặt, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý hệ thống cấp nước, xây dựng hệ thống tưới cây tự động, thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa và nhóm giải pháp xanh hóa khu công nghiệp, mục tiêu đạt tối thiểu 60% diện tích cây xanh sử dụng các loại cây có mức độ hấp thụ C02 cao, đạt được chứng chỉ xanh cho khu công nghiệp.

Ngay từ khi bắt đầu xây dựng tại KCN Gia Bình II, Dự án Nhà máy điện tử Glory Faith Việt Nam với tổng diện tích hơn 44.000m2, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD được Công ty mẹ (Tập đoàn KingBoard- Hồng Kông, Trung Quốc) định hướng sản xuất xanh, giảm thiểu tối đa lượng phát thải bằng việc ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Được biết, trước khi đầu tư Tập đoàn King Board đã tìm hiểu tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam và cuối cùng quyết định đầu tư vào Bắc Ninh bởi tại đây có vị trí rất thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, thủ tục đầu tư rất thông thoáng.

Song song với các giải pháp về thu hút đầu tư của chính quyền, sự chung tay bảo vệ môi trường của DN, những năm qua các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng quyết tâm đưa các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, nhất là tại các làng nghề ra khỏi danh sách đen. Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề trên địa bàn. Đến nay, sản xuất trong khu dân cư tại 3 làng nghề Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và Mẫn Xá (Yên Phong), Đại Bái (Gia Bình) đã dừng hoạt động.

Theo đó, tại Phong Khê, 228 cơ sở sản xuất giấy dừng hoạt động, toàn bộ cơ sở sản xuất trong khu dân cư và ngoài Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và 2 dừng hoạt động; tại Văn Môn, 100% cơ sở cô đúc nhôm tại khu dân cư, CCN làng nghề Mẫn Xá dừng hoạt động; tại Phú Lâm, có 7/8 cơ sở sản xuất ngoài CCN dừng hoạt động; tại làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái, hơn 200 ống khói, lò đốt của 185 hộ gia đình đã buộc phải phá bỏ, dừng hoạt động… Các nguồn phát thải bị ngăn chặn triệt để, môi trường tại các làng nghề có những chuyển biến tích cực. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và từng bước thực hiện nhiều biện pháp để rút dần “điểm nóng” ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư.

Theo kết quả Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đạt 27,78 điểm đứng vị trí thứ 4 toàn quốc sau thành phố Hải Phòng (đứng thứ Nhất với 29 điểm), Vĩnh Long, Hà Nam. Là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, xong Bắc Ninh vẫn là địa phương có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (chỉ số thành phần 1, đạt 7,64); thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp (chỉ số thành phần 2, đạt 7,47); khẳng định vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành Xanh (chỉ số thành phần 3, đạt 4,48 điểm) và cuối cùng, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể (chỉ số thành phần 4, đạt 7,78 điểm). Quan trọng hơn, cả 4 tiêu chí thành phần của tỉnh đều tăng điểm so với năm 2023; trong đó, chỉ số chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ có mức tăng cao nhất với 2,17 điểm. Trước đó, năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước về chỉ số này.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số PGI, tỉnh thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, hướng tới phát triển bền vững. Trong xúc tiến thu hút đầu tư tỉnh chủ động định hướng, lựa chọn các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư mới có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; thay thế, loại bỏ dần các trang thiết bị hiệu suất thấp, lạc hậu nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên, vật liệu, có kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải “các-bon thấp”, thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh triển khai các dự án (đê, kè; dự án thoát nước; dự án xử lý nước thải đô thị); vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước; tăng cường bảo vệ vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; thực hiện các giải pháp giảm thiểu thoái hóa đất; triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; bảo vệ, trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường, sinh thái…

Dương Phấn
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động