Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km 00 - Km 36 và xử lý sụt trượt do bão đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An
Bài 2: Ban Quản lý Dự án 4 và những lý luận "duy tình" nhằm biến tấu các quy định về bảo vệ môi trường
Thực hiện không đúng yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Giao thông vận tải |
Dự án cải tạo nâng cấp QL.7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (Dự án) được thực hiện tại thị trấn Diễn Châu, xã Diễn Phúc, xã Diễn Cát và xã Minh Châu, huyện Diễn Châu; xã Vĩnh Thành, xã Viên Thành, xã Bảo Thành, xã Công Thành, xã Khánh Thành và xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành; xã Hòa Sơn, xã Thịnh Sơn, xã Văn Sơn, xã Yên Sơn, thị trấn Đô Lương và xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương; xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Chủ dự án là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án 4
Trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã Thực hiện không đúng yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Giao thông vận tải; ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành dự án của Ban quản lý dự án 4 cũng biết điều này nhưng dưới góc độ là để san lấp mặt bằng giúp địa phương; theo chân các đoàn xe, có những điểm đổ rất gần với khu vực được quy hoạch nhưng để phục vụ mục đích khác chứ không chỉ là "sân vận động" của xóm 3 thuộc xã Diễn Thành.
UBND tỉnh Nghệ An thống nhất 10 vị trí bãi tập kết
Ngày 20/7/2022, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 5463/UBND-CN, truyền đạt ý kiến của ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh về việc thống nhất 10 vị trí bãi tập kết vật liệu thừa phục vụ thi công Dự án.
Một vị trí bải thải đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại văn bản số 5463/UBND ngày 20/7/2022 (vị trí được khoanh màu đỏ) |
Vị trí thực địa đã được phê duyệt có tổng cộng 17672,5m3 vật liệu thừa sẽ được san lấp tại đây |
Tại Biên bản thống nhất vị trí bãi tập kết vật liệu thừa phục vụ Dự án cảo tạo, nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An không ghi rõ số hiệu và ngày lập. Đại diện các bên liên quan gồm Ban Quản lý dự án 4; UBND huyện Diễn Châu, UBND xã Diễn Thành và đơn vị khảo sát là Công ty Cổ phần tư vấn XDGT VINACO đã thống nhất xác nhận vị trí đủ điều kiện làm bãi tập kết vật liệu thừa trên địa bàn xã Diễn Thành là khu vực xóm 6, xã Diễn Thành (đây là đất hoang hoá do UBND xã Diễn Thành quản lý với diện tích được phê duyệt là 7069m2, chiều cao được phép đổ là 2,5m với 17672,5m3 - trong đó 7345m3 tập kết đất hữu cơ và 10327,5m3 tập kết vật liệu thừa tận dụng san lấp mặt bằng).
Tuy nhiên, khi tiến hành thi công nhà thầu đã thực hiện đổ phế thải không đúng theo hồ sơ thiết kế. Thay vì vận chuyển phế thải ra địa điểm xử lý như quy định tại khu vực xóm 6 thì đơn vị này đã cho vận chuyển phế thải đổ sai quy định. |
Đất đá thải của Dự án được đơn vị thi công tận dụng để san lấp tại nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn xã Diễn Thành (Diễn Châu)… không đúng vị trí được phê duyệt đổ thải. |
Đổ thải tại khu vực phía Tây Khu đô thị Hoàng Sơn |
Quan điểm của người "trong cuộc"
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Công nghiệp môi trường, ông Trần Đình Sơn - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đoạn mà do phóng viên phản ánh do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thành Công trúng thầu nhưng sau đó đã chuyển sang Công ty Cổ phần xây lắp Giang Sơn có địa chỉ tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thi công. Vừa qua, xã Diễn Thành có “xin” mấy xe để làm sân bóng, ngoài ra, vì tiến độ của dự án quá gấp nên cũng đã xin đổ tạm một số vị trí nào đấy để sau khi xong xuôi thì sẽ múc lên và đổ đi.
Còn hiện nay, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu nhà thầu phải đổ đúng vị trí mà UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát quản lý chặt vì cái này đang còn phải nghiệm thu nữa nhưng do giai đoạn này gấp rút quá nên thấy anh em báo cáo lại là xin đổ tạm thôi. Còn việc này, chúng tôi đã giao cho Ban điều hành quản lý việc này.
Trái với ý kiến của ông Sơn, theo tìm hiểu của phóng viên thì vị trí đổ thải tại khu vực quy định chỉ cách vị trí mà nhà thầu thi công đổ sai hơn 1km. Vì vậy, việc do áp tiến độ để nhanh hơn là chưa hợp lý. |
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ xã Diễn Thành cho biết: Vùng đất mà nhà thầu thi công đổ tại khu vực xóm 3, Mai Thành là khu đất hoang do xã Diễn Thành quản lý, hiện vùng đất này đã có nhà đầu tư lập quy hoạch làm khu dân cư. Theo nguyên tắc là khi xã và các cơ quan chức năng đã thống nhất lập quy hoạch bãi thải thì nhà thầu cần phải đưa về khu quy hoạch để đổ. Khi nhận được thông tin về việc nhà thầu đổ sai thì xã cũng đã kiểm tra và yêu cầu Chủ đầu tư và đơn vị thi công phải đổ đúng vị trí.
Còn đúng là vì sân vận động của xóm 3 cũng xuống cấp nên xã có xin ít xe để đổ và được lãnh đạo xã giám sát chặt chẽ, vị cán bộ xã cho biết thêm.
Cần nghiêm minh và phục hồi môi trường đã bị tác động
Phải khẳng định rằng, Chủ đầu tư của dự án là Ban Quản lý Dự án 4 đang phớt lờ những quy định của Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Nghệ An về việc phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường đối với khu vực bãi thải, phối hợp với chính quyền địa phương quản lý giám sát chặt chẽ đảm bảo an toàn, không gây tác động đến môi trường và người dân khu vực xung quanh.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: - Vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường (Điều 10): Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định…; - Vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường (Điều 26): +, Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 1.000 kg đến 100.000 kg trở lên. +, Hình thức xử phạt bổ sung: có thể tịch thu phương tiện vi phạm hành chính … +, Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, chuyển giao chất thải rắn thông thường cho đơn vị có chức năng xử lý do hành vi vi phạm gây ra; + Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định …. |
Môi trường đất tại các khu vực không được quy hoạch làm nơi đổ chất thải nhưng đã bị doanh nghiệp thi công Dự án cảo tạo, nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An san, đổ chất thải thì rất khó để phục hồi môi trường lại như ban đầu, đấy là chưa tính đến các hao phí về kinh tế phải chi trả.
Những lý luận nghe để thuận tình nhưng không logic và không thượng tôn pháp luật của lãnh đạo Ban quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam đã không thể che đậy cho sự buông lỏng quản lý trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường khi thi công dự án. Tạp chí Công nghiệp môi trường kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị chức năng vào cuộc để trả lại sự hiệu quả, công bằng của những văn bản quy định về công tác bảo vệ môi trường và sự đồng lòng của chính quyền các cấp.
Tạp chí Công nghiệp môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.