Bãi bỏ 44 thủ tục hành chính về bảo vệ và phát triển rừng
|
Nghị định có hiệu lực cùng thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực nhằm bảo đảm quy định của Luật được thực hiện và áp dụng có hiệu quả
So với các quy định hiện hành, Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đã cụ thể hóa các tiêu chí xác định rừng tự nhiên, rừng trồng theo 3 tiêu chí về độ tàn che, diện tích liền vùng và chiều cao của cây rừng ứng với từng điều kiện lập địa cụ thể; tiêu chí cụ thể của từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Đồng thời, trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của các văn bản hiện hành về thành lập các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ rừng; khai thác rừng; Nghị định quy định mới một số nội dung như quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất do chủ rừng tự quyết định; không phải có chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như quy định hiện hành.
Chủ rừng được cho thuê rừng làm du lịch
Về thực hiện du lịch sinh sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Nghị định quy định cụ thể về nội dung chủ yếu của đề án; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của chủ rừng; chủ rừng được tự tổ chức, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt.
Chủ rừng được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo giá thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng; thời gian thuê là 30 năm, định kỳ 5 năm đánh giá việc thực hiện hợp đồng.
Việc sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất được quy định tỷ lệ diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp phù hợp với thực tiễn của từng loại rừng.
Bãi bỏ 44 thủ tục hành chính về bảo vệ và phát triển rừng
Quy định về trình tự, thủ tục đóng, mở cửa rừng tự nhiên gồm nội dung cơ bản của đề án đóng hoặc mở cửa rừng tự nhiên; trình tự đóng hoặc mở cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh; công bố quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên.
Trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng được thực hiện thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đây là điểm thay đổi căn bản so với quy định hiện hành, đã giảm các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khi thực hiện các hoạt động này
Nghị định cũng có quy định mới về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh.
So với quy định về thủ tục hành chính hiện hành thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 156/2018/NĐ-CP thì Nghị định đã bãi bỏ 44 thủ tục hành chính, trong đó 13 thủ tục hành chính cấp trung ương; 22 thủ tục hành chính cấp tỉnh; 7 thủ tục hành chính cấp huyện; 2 cấp xã.
Thay thế 4 thủ tục hành chính, gồm 2 thủ tục hành chính cấp trung ương, 2 thủ tục hành chính cấp tỉnh
Ban hành mới 8 thủ tục hành chính (4 thủ tục hành chính cấp trung ương, 4 thủ tục hành chính cấp tỉnh); 3 thủ tục hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời đơn giản về thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 28,5 ngày làm việc xuống còn 15 ngày làm việc đối với 2 thủ tục hành chính về miễn, giảm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Bổ sung một số dịch vụ môi trường rừng mới
Điểm đáng chú ý nữa của Nghị định 156/2018/NĐ-CP là quy định cụ thể một số loại dịch vụ môi trường rừng mới như cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất công nghiệp; cơ sở nuôi trồng thủy sản; hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn.
Trong đó, đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thí điểm đến hết năm 2020, tổng kết, trình Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng.
Theo đó, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định cụ thể, đối với cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kwh điện thương phẩm; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là 52 đồng/m3 nước thương phẩm; cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước là 50 đồng/m3; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tối thiểu bằng 1 % trên tổng doanh thu thực hiện trong kỳ; doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu thực hiện trong kỳ.
Khi giá bán lẻ điện, nước bình quân chung biến động tăng hoặc giảm 20%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ quyết định điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tương ứng.
Đồng thời Nghị định này cụ thể hóa các quy định về quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, không phải tra cứu nhiều văn bản quy phạm pháp luật như hiện hành.
Cụ thể hóa chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng
Về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể hóa quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định khẳng định, Quỹ là “tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập”.
Do vậy, Nghị định quy định rõ nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, cấp tỉnh; cơ cấu tổ chức của Quỹ các cấp; mối quan hệ giữa Quỹ trung ương và Quỹ cấp tỉnh.
Quy định cụ thể về nguồn tài chính của Quỹ; việc quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ; bổ sung quy định về quản lý chương trình, dự án và các hoạt động phi dự án được Quỹ hỗ trợ;
Về các chính sách đầu tư về bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định đã cụ thể hóa về chính sách đầu tư như bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ và cứu hộ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý Nhà nước về lâm nghiệp;… Chính sách hỗ trợ đầu tư về chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, khuyến lâm và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đầu tư phát triển, kinh doanh rừng sản xuất theo chuỗi giá trị; … Chính sách ưu đãi đầu tư.
Quy định các chương trình, dự án và hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư theo các chính sách hiện hành được tiếp tục thực hiện cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới, gồm: Các chính sách quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP; Nghị định 168/2016/NĐ-CP; Nghị định 119/2016/NĐ-CP; Nghị định 55/2015/NĐ-CP; Nghị định 57/2018/NĐ-CP; Quyết định 24/2012/QĐ-TTg; Quyết định 07/2012/QĐ-TTg (trừ các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3); Quyết định 38/2016/QĐ-TTg.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.