Bụi mịn nano trong khói xe có thể gây ung thư não

14/11/2019 13:21 Tác động môi trường
Các hạt bụi siêu mịn với kích thước nano đến từ khí thải của các phương tiện giao thông có thể xâm nhập vào não và mang theo chất gây ung thư.
Ô nhiễm lên ngưỡng đỏ, ngưỡng tím, người dân nên hạn chế ra ngoài Ô nhiễm khí thải phương tiện giao thông tại các đô thị Thủ đô Ấn Độ chìm trong khói độc, 20 triệu người bị đe dọa

Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí dịch tễ học Epidemiology lần đầu tiên phát hiện, các hạt bụi siêu mịn đến từ khói xe là một trong những tác nhân gây ung thư não.

Các hạt bụi siêu mịn (ultra-fine particles/UFP) phát sinh từ việc đốt nhiên liệu, đặc biệt là trong động cơ diesel. Những hạt này có thể xâm nhập vào não và mang theo các chất gây ung thư.

Điều đó đồng nghĩa với việc lưu lượng giao thông tăng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư não trong cộng đồng. Dù đây là chứng bệnh hiếm, nhưng các nhà khoa học đã tính toán được rằng, từ nơi vắng vẻ ra trung tâm nhộn nhịp của thành phố, lượng khí thải tăng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư não cho 1/100.000 người tiếp xúc với khí thải.

bui min nano trong khoi xe co the gay ung thu nao
Bụi siêu mịn trong khói xe có thể gây ung thư. Ảnh minh hoạ.

Nhà khoa học Scott Weichenthal của Đại học McGill (Canada) – người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Những rủi ro môi trường như ô nhiễm không khí tuy có thể không lớn về mặt cường độ, nhưng khi lan rộng ra lại rất nguy hại, đặc biệt là tại những thành phố lớn”.

Nghiên cứu đã phân tích hồ sơ y tế của 1,9 triệu người Canada trưởng thành từ năm 1991 đến 2016, và phát hiện ra sự nhất quán “đáng kinh ngạc” giữa mức độ tiếp xúc với UFP và ung thư não.

Trước đó vào năm 2016, các nhà khoa học đã phát hiện các hạt bụi siêu mịn độc hại trong não người. Đến năm 2019, một nghiên cứu toàn diện hơn trên quy mô toàn cầu đã kết luận: ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng đến mọi cơ quan và tế bào trong cơ thể con người.

Ô nhiễm không khí còn có thể gây giảm thông minh, mất trí cũng như các vấn đề về sức khoẻ tâm thần khác ở cả người lớn và trẻ em… Do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận ô nhiễm không khí là một “trường hợp khẩn cấp thầm lặng về sức khỏe cộng đồng”.

Nghiên cứu đã đưa ra con số cụ thể: với mức độ tăng ô nhiễm không khí trong một năm là 10.000 hạt UFP/cm3 – gần bằng độ chênh lệch giữa vùng ngoại ô và trung tâm thành phố, nguy cơ ung thư não sẽ tăng 10%.

Tại các thành phố trong phạm vi nghiên cứu là Toronto và Montreal, mật độ các hạt siêu mịn trong không khí dao động từ 6.000 hạt – 97.000 hạt/cm3.

Theo ông Weichenthal, những người sống ở vùng có mật độ bụi mịn 50.000 hạt/cm3 có nguy cơ mắc ung thư não cao hơn 50% so với những người sống ở vùng có 15.000 hạt/cm3. Các nhà nghiên cứu đã tính đến cả các yếu tố như thu nhập, hút thuốc, béo phì, lượng người di cư…

Giáo sư Jordi Sunyer của Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (Tây Ban Nha), người không tham gia vào nghiên cứu này chia sẻ: “Đây là một phát hiện quan trọng, củng cố thêm kết quả của một số nghiên cứu trên động vật trước đây, cho thấy UFP từ khói xe có thể độc hơn các hạt bụi lớn hơn”.

Giáo sư Barbara Maher của Đại học Lancaster (Vương quốc Anh) khẳng định, các hạt bụi nano chứa sắt từ khói xe có khả năng gây ung thư nên việc tính toán, đo đạc, nghiên cứu chúng là rất cần thiết.

Để đưa ra được kết luận cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về bụi nano trong 3 năm. Họ đưa ra khuyến nghị, mỗi người nên chủ động giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm và gây phát thải bằng các biện pháp tích cực như đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện công cộng… thay vì dùng xe cá nhân.

Diệu Anh
Theo The Guardian
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động