CẬP NHẬT: Bão số 8 giật cấp 14, sóng cao tới 8m, biển động dữ dội

26/12/2019 10:28 Tăng trưởng xanh
Tối 25/12, bão PHANFONE đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8 trong năm 2019. Trước đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Văn phòng Bộ Công an vừa ban hành Công điện hỏa tốc chỉ đạo chủ động ứng phó cơn bão này.
Công điện hỏa tốc chỉ đạo ứng phó bão PHANFONE
cap nhat bao so 8 giat cap 14 song cao toi 8m bien dong du doi
Dự báo vị trí và đường đi của bão PHANFONE. Ảnh NCHMF

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 530km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 4 giờ ngày 27/12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 340km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão số 8, ở vùng biển khu vực giữa Biển Đông có gió bão mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão: Từ vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 15,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 04 giờ ngày 28/12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 350km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 29/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

cap nhat bao so 8 giat cap 14 song cao toi 8m bien dong du doi
Vùng biển khu vực giữa Biển Đông có gió bão mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 14.

Công điện chỉ đạo ứng phó bão

Ngày 24/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện hỏa tốc số 21/CĐ-TW gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Cà Mau và các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương đề nghị theo dõi diễn biến và chủ động ứng phó với bão PHANFONE.

Theo đó, các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành thực hiện việc thông tin kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tình hình, số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển và chủ động liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện.

Bộ Ngoại giao chủ động có công hàm gửi các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ triển khai các phương án ứng phó với bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật về diễn biến của bão; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Công an chỉ đạo ứng phó bão

Ngày 24/12/2019, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 28/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng về việc ứng phó với bão PHANFONE.

Theo đó, Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với bão.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt tập trung bảo đảm vấn đề an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó, tác nghiệp tại thực địa và ứng giúp nhân dân trong thiên tai.

Rà soát phương án ứng phó với thiên tai để thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ để kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng Bộ Công an (SĐT: 0913.555.323, 069.2341041; Fax: 069.2341044).

Theo VGP
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động