Chỉ thị khẩn của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giải pháp phòng chống dịch bệnh nCoV
Tác động của bệnh dịch viêm phổi do virus corona đến hoạt động xuất nhập khẩu |
Bộ trưởng chỉ đạo Tổng Cục QLTT yêu cầu các Cục QLTT các địa phương tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết. Ảnh: QLTT. |
Để chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó và hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị gồm: Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ: Thị trường châu Á-châu Phi, Thị trường Âu Mỹ, Đa biên, Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước khẩn trương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường; theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng tại thị trường trong nước trong đó cần tập trung hỗ trợ kết nối các mặt hàng nông, thủy sản từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ: Thị trường Châu Á-Châu Phi, Thị trường Âu Mỹ, Đa biên đánh giá chính xác và toàn diện về tác động của bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đối với quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc từ đó có biện pháp hiệu quả nhằm giảm tối đa thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm xuất nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm ổn định thị trường trong nước; đánh giá tác động tổng quan chung của dịch bệnh đối với hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới; phối hợp với ngành y tế tìm kiếm các nguồn nguyên liệu từ các thị trường nước ngoài để phục vụ sản xuất các sản phẩm phòng chống dịch.
Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường trong giai đoạn thị trường bị tác động bởi bệnh dịch.
Riêng đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa. Nếu phát hiện các hành vi nói trên thì cần xử lý nghiêm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra cao điểm về vấn đề cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao và xử lý nghiêm nếu có các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc cấm đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tạm đóng cửa các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian có dịch bệnh.
Cục Công nghiệp phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ việc phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra tăng cường sản xuất, cung ứng các sản phẩm nêu trên và ưu tiên đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; tổ chức các đoàn làm việc để tháo gỡ khó khăn nếu có cho các doanh nghiệp sản xuất.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường; phối hợp với Sở Y tế, lực lượng thanh tra Y tế tăng cường kiểm tra cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.