Chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm Trung Quốc

02/10/2019 13:59 Tăng trưởng xanh
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bộ Công Thương tiến hành điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm Plastic

Theo đó, hàng hóa bị áp dụng thuế CBPG chính thức, gồm: Nhôm và các sản phẩm bằng nhôm; hợp kim hoặc không hợp kim; ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm. Các sản phẩm này có một dạng thù hình, có thể thiết kế theo nhiều hình dạng và mặt cắt khác nhau, có thể tạo ra nhiều màu sắc khác nhau trên bề mặt, có thể tái chế lại. Sản phẩm thường được dùng làm cửa nhôm, vách nhôm, tủ nhôm, trang trí nội ngoại thất, kết cấu trong xây dựng nhà cửa và các công trình xây dựng khác; dùng làm các chi tiết máy móc, kết cấu trong lĩnh vực công nghiệp và các mục đích khác.

chong ban pha gia doi voi mot so san pham bang nhom trung quoc
Nhôm Trung Quốc được bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49% đến 35,58%. Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc là 16 công ty.

Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 01/2019 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 10/2018. Việc điều tra được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.

Kết quả điều tra cuối cùng cho thấy, có hành vi bán phá giá, thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, đáp ứng các điều kiện bắt buộc theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan để áp dụng biện pháp CBPG. Cụ thể là trong thời gian vừa qua, nhôm Trung Quốc được bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%, trong một số trường hợp giá bán còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất, gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất nhôm trong nước.

Theo quy định, biện pháp CBPG sẽ có hiệu lực trong vòng 05 năm kể từ ngày Quyết định 2942/QĐ-BCT có hiệu lực. Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế CBPG áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

Thông tin chi tiết, liên hệ:

Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp

Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: +84 24 73037898

Chuyên viên phụ trách vụ việc: Trần Hoàng Mai, điện thoại: (+84 24) 22.20.53.04; email: maitrh@moit.gov.vn.

Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động