Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự phát triển của ngành Khoa học và công nghệ Việt Nam
Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của mỗi quốc gia. Đảng và Nhà nước ta đã xác định phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN; bảo đảm quyền nghiên cứu KH&CN; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động KH&CN. Là người có tầm nhìn chiến lược, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng phát triển KH&CN, đồng thời Người cũng chính là một nhà khoa học, một nhà sáng tạo kiệt xuất.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963. Ảnh tư liệu/ theo http://baochinhphu.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định KH&CN là nhân tố trọng yếu, đóng vai trò quyết định đối với phát triển kinh tếTheo Người, phát triển KH&CN quyết định khả năng cạnh tranh về kinh tế của mỗi quốc gia. Trong bài viết “Vấn đề dân bản xứ” (Báo L'Humanité, đăng ngày 02/8/1919), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Là phi lý nếu nghĩ rằng hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập đối với nhau. Nhưng người Nhật, nhờ ở chính phủ khôn khéo của họ, có các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt để tiến hành đấu tranh kinh tế; trong khi đó thì người An Nam - chúng tôi đã nói vì sao - lại hoàn toàn là con số không, xét về mặt tiến bộ hiện đại”.
Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy sự tương phản rất rõ nét giữa hai dân tộc Nhật Bản và An Nam, người Nhật với các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt, mà thực chất là đã thực hiện công nghiệp hóa; du nhập và học hỏi từ phương Tây về khoa học - kỹ thuật hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh về kinh tế, chiếm lợi thế tuyệt đối trong so sánh kinh tế. Trong khi đó, dân tộc An Nam “hoàn toàn là con số không, xét về mặt tiến bộ hiện đại”. Bài viết trên có thể được xem là mốc đánh dấu sự hình thành quan điểm của Người về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế. Từ đó về sau, Người đặc biệt quan tâm, chú trọng đến phát triển KH&CN, coi KH&CN là nhân tố trọng yếu, đóng vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp giành được những thắng lợi lớn, hậu phương mở rộng, nhiệm vụ hàng đầu là phải sản xuất ra nhiều của cải và hàng tiêu dùng thiết yếu. Để phát triển sản xuất, có nhiều của cải thì vai trò của KH&CN là đặc biệt quan trọng. Trong bài “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” tại buổi nói chuyện vào năm 1952 nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn một số ý kiến của Lênin và Stalin, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế để nhắc nhở các ngành, các cấp thực hiện. Người khẳng định: “Chỉ có liên hệ chặt chẽ với nông nghiệp, không rời xa sức tiết kiệm và ăn khớp với vốn liếng và sức hậu bị của ta - thì công nghệ mới làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nó, là lãnh đạo và cải tạo kinh tế quốc dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định rõ việc hoạch định đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế phải dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn, tuyệt đối tránh chủ quan, giáo điều, xa rời thực tế. Đây vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ để các chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận. Trong bài: “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội” (Báo Nhân Dân, đăng ngày 27/3/1961), Người viết: “Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho những điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước”.
Người cho rằng, KH&CN là nền tảng tạo nên những kì diệu trong phát triển kinh tế với sự xuất hiện của các sản phẩm mới, những ngành nghề mới và cả nền kinh tế mới; KH&CN là một yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất và hướng vào giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế của đất nước. Theo Người, KH&CN phải từ sản xuất mà ra và trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Phát biểu tại Hội nghị cán bộ phát động cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” (ngày 07/3/1963), Người nói: “Chúng ta cần phải tập trung lực lượng làm cho nước ta sản xuất ngày càng nhiều lương thực; trồng càng nhiều cây công nghiệp; chăn nuôi càng nhiều trâu, bò, lợn, gà,… Muốn có kết quả đó thì nhất định phải cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật”. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó”.
KH&CN phải góp phần thực hiện khẩu hiệu “Sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Trong bài viết “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” (Báo Nhân Dân, đăng ngày 14/3/1960), Người chỉ rõ: “Có cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động, mới có thể sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nếu chỉ dựa vào sự quen tay hoặc nếu chỉ dồn thêm sức ra, kết quả thường là được mặt này mất mặt khác, được nhanh lại không tốt, được tốt lại không nhanh, không rẻ… mà mặt nào cũng bị hạn chế”6. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia công tác KH&CN không phải là việc của riêng ai mà của tất cả mọi người, mọi ngành nhằm nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của KH&CN đối với phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tích cực tiếp thu các thành tựu mới nhất về KH&CN của thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Người cho rằng, việc tiếp thu các thành tựu mới nhất về KH&CN (rộng hơn là hợp tác quốc tế về KH&CN) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ giới hạn trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa mà còn ở tất cả các nước dân chủ khác trên thế giới, điều này đã từng được Người khẳng định trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” vào tháng 12/1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của các nhà khoa học. Người cho rằng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã giúp thể hiện được sức mạnh của con người trước thế giới tự nhiên, giúp con người “mở rộng ra những chân trời mới”, “làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ vận mệnh của xã hội và của bản thân mình”. Xuất phát từ việc sớm nhận thức được vai trò quan trọng của các nhà khoa học nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và dành tình cảm đặc biệt cho đội ngũ trí thức nói chung và các nhà khoa học nói riêng. Bàn về nhiệm vụ của những người làm khoa học, Người nhấn mạnh: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt”8. Cụ thể hơn, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của những người làm khoa học là ra sức nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật của nước ta; cải tiến lề lối sản xuất và cách thức làm việc; nâng cao năng suất lao động; đẩy lùi phong tục tập quán lạc hậu. Người căn dặn những người làm khoa học: “Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, các hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải tiến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”.
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng thuyết phục một số nhà khoa học Việt kiều có uy tín ở nước ngoài về nước tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo lời kêu gọi của Bác, cùng với lòng yêu nước và chí căm thù xâm lược, nhiều nhà khoa học Việt kiều đã từ bỏ địa vị khoa học không ít người mơ ước ở nước ngoài để về nước tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến như Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng; Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ; Giáo sư, Tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm;... Tên tuổi và những cống hiến hết mình của họ đã góp phần cổ vũ cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi.
Sử dụng nhà khoa học nói riêng và trí thức nói chung cần quan tâm, tin tưởng và tôn trọng họ. Chính sự quan tâm, tin tưởng và tôn trọng nhà khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh là động lực mạnh mẽ thôi thúc họ cống hiến hết mình để phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ phẩm chất cần có của nhà khoa học là niềm say mê nghiên cứu khoa học. Niềm say mê này quyết định thành công của nhà khoa học và cả một nền khoa học. Nói chuyện tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 2 (tháng 5/1958), Người căn dặn thanh niên trí thức trong thời đại khoa học phát triển phải có 6 “cái yêu”, là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, đặc biệt là yêu khoa học và yêu kỷ luật, bởi vì “tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỷ luật”10.
Để hình thành đội ngũ các nhà khoa học kế cận phục vụ công cuộc kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù còn nhiều khó khăn và gian khổ, Bác vẫn chủ trương tuyển chọn nhiều cán bộ có văn hóa để đưa sang các nước phương Tây nhằm xúc tiến việc đào tạo trí thức bậc cao. Thậm chí, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong bức thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ (01/11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nguyện vọng muốn gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Hoa Kỳ để mở rộng quan hệ hữu nghị, nhưng chủ yếu là để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”.
Cùng với việc đưa thanh niên sang phương Tây đào tạo thành những cán bộ khoa học, ở trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho mở một số trung tâm nghiên cứu khoa học và cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng. Điển hình là việc thành lập Trường Đại học Y Dược (Việt Bắc); lớp Toán đại cương (Khu IV); các trường khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp (Khu học xá Trung ương, Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm tạo dựng một lớp nhà khoa học kế cận có đủ tài và đức phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Cho đến những năm cuối đời, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người vẫn không quên căn dặn Đảng và Chính phủ cần chọn những người ưu tú nhất trong quân đội, thanh niên xung phong, đào tạo họ trở thành những cán bộ khoa học - kỹ thuật giỏi, những người vừa hồng vừa chuyên, đó là “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích phát triển hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong nhân dân
Theo Người, quần chúng nhân dân cũng là những “nhà khoa học”, họ là những nhà khoa học đặc biệt. Người khẳng định quần chúng nhân dân vốn có những tiềm năng to lớn: “Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo. Trong sản xuất và sinh hoạt, họ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu”13. Do đó, Người luôn động viên, cổ vũ quần chúng nhân dân thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Mặt khác, Người phê phán sự thiếu sâu sát của cán bộ quản lý sản xuất, không kịp thời xét duyệt, áp dụng, khen thưởng và phổ biến sáng kiến, không khuyến khích các tài năng trong công nhân.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đồng hành cùng với sự phát triển của ngành KH&CN Việt Nam. Sự quan tâm của Người đối với phát triển ngành KH&CN đã góp phần mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
Thực tiễn phát triển của ngành KH&CN Việt Nam hiện nay
Học tập và vận dụng các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển KH&CN, coi phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tái khẳng định vai trò của KH&CN trong giai đoạn tới “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…”. Luật KH&CN năm 2013 quy định hoạt động KH&CN có nhiệm vụ: “Xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội,...” (Điều 4); hoạt động KH&CN phải tuân theo nguyên tắc “xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội,...” (Điều 5); Nhà nước “ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội” (Điều 6).
Được sự quan tâm của Đảng, đầu tư của Nhà nước và sự quyết tâm của cả xã hội, trong những qua, ngành KH&CN Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt, có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng đối với phát triển KT-XH của đất nước:
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, giúp các cơ quan chức năng hoạch định chủ trương, đường lối phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011); phục vụ trực tiếp xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới (1986-2016); Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992; đề xuất các chủ trương, chính sách nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và nhiều văn kiện quan trọng khác.
Lĩnh vực khoa học tự nhiên đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, điều tra điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, góp phần tạo luận cứ cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển KT-XH; tạo cơ sở cho quá trình tiếp thu và làm chủ công nghệ mới. Một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ KH&CN có khả năng tiếp cận trình độ hiện đại trên thế giới. Tại các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc các Bộ, ngành đã đạt những thành tựu đáng kể trong việc giải quyết những vấn đề làm cơ sở cho nghiên cứu ứng dụng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường, đã nghiên cứu một số công nghệ cơ bản tạo cơ sở cho quá trình tiếp thu và tiến tới làm chủ các công nghệ thuộc các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn như tin học, công nghiệp phần mềm, kết cấu công trình, tạo giống cây trồng, vật nuôi mới.
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực và xuất khẩu, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, khai thác tiềm năng kinh tế biển. Thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ là thiết kế, chế tạo thành công nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, điển hình như Giàn khoan tự nâng 120 m (Tam Đảo 05) được hạ thủy; các loại động cơ điện công suất đến 5 MW, tuabin công suất đến 6 MW, các chủng loại biến áp đến 500 KV, lọc bụi tĩnh điện cho các nhà máy công nghiệp với chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của Châu Âu.
Ngành KH&CN Việt Nam đang không ngừng phát triển. Ảnh minh họa: Internet
Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đã có nhiều nỗ lực đổi mới, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy KH&CN phát triển. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, về mặt thể chế đã xây dựng mới được Luật Chuyển giao Công nghệ (Luật số 07/2017/QH14, thay thế cho Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11); 17 Nghị định; 46 Thông tư liên tịch; đang tập trung xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.Kể từ năm 2013, Quốc hội quyết định lấy ngày 18/5 hằng năm là ngày KH&CN Việt Nam (Điều 7, Luật KH&CN năm 2013). Đây là ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963). Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển KH&CN ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang này cho giới trí thức KH&CN Việt Nam. Việc lựa chọn ngày 18/5 hằng năm là ngày KH&CN Việt Nam thể hiện tinh thần quyết tâm học tập và lĩnh hội tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời là dịp để các ngành, các cấp tuyên truyền rộng rãi về các thành tựu của KH&CN đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; động viên thế hệ trẻ tham gia hoạt động KH&CN, góp phần xây dựng và phát triển lực lượng KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành KH&CN vẫn còn có một số hạn chế nhất định. KH&CN chưa đóng góp rõ rệt vào phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển KT-XH. Tiềm lực KH&CN chưa được phát huy mạnh mẽ, nhất là đội ngũ cán bộ KH&CN. Cơ chế hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chưa được cụ thể hóa để chính sách đi vào đời sống, tạo ra động lực trực tiếp nhằm khuyến khích, nuôi dưỡng, phát triển các sáng kiến hữu dụng của người dân.
Trong tình hình mới, đặc biệt là sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước, các quan điểm trong phát triển KH&CN của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Suy cho cùng, mọi điều chỉnh về cơ chế, chính sách để phát triển KH&CN cũng chính là dựa trên 3 quan điểm cơ bản của Người:
Một là, gắn kết chặt chẽ giữa KH&CN với phát triển KT-XH. KH&CN phải là một yếu tố đầu vào quan trọng và hướng vào giải quyết các vấn đề KT-XH của đất nước. KH&CN phải thực sự gắn kết hữu cơ với KT-XH chứ không phải là “người bạn đồng hành” cùng KT-XH. KH&CN phải được coi là một đột phá chiến lược mới trong chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn tới. Các cơ chế, chính sách và việc thực thi phải có tính xuyên suốt, đồng bộ để phát huy hiệu quả của KH&CN, tăng tác động lan tỏa của KH&CN tới phát triển KT-XH.
Hai là, phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ KH&CN của nước ta có xu hướng phát triển nhanh về số lượng và ngày càng nâng cao về trình độ chuyên môn. Mặc dù vậy, so với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, đóng góp của đội ngũ cán bộ KH&CN chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự đóng góp có hiệu quả trong việc phát triển KT-XH và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để phát huy tiềm năng của đội ngũ cán bộ KH&CN, Nhà nước cần có những điều chỉnh về các chính sách hiện tại. Yêu cầu đặt ra của chính sách đối với cán bộ KH&CN là phải gắn với đặc thù của hoạt động nghiên cứu KH&CN, đây là loại hoạt động mang tính trí óc, sáng tạo và mở ra không gian rộng lớn cho việc phát triển cá nhân và phát huy năng lực riêng của từng cán bộ KH&CN. Do đó, các chính sách về phát triển cán bộ KH&CN không thể “bình quân chủ nghĩa”, càng không thể “công chức hóa” các nhà khoa học.
Ba là, có cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích phát triển hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong nhân dân, bởi tiềm năng sáng tạo trong nhân dân là rất lớn. Hoạt động sáng kiến của người dân có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Sáng kiến của người dân chủ yếu phát sinh từ yêu cầu thực tiễn, phục vụ đời sống và sản xuất, do vậy có nhiều sáng kiến, giải pháp độc đáo, hữu dụng, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế và lợi ích xã hội. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế để đánh giá đúng mức giá trị của hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người dân trong tương quan với hệ thống nghiên cứu KH&CN chính thống khi mà mỗi hoạt động có những vai trò riêng; phải phân biệt các loại sáng kiến khác nhau, từ sáng kiến có giá trị rất nhỏ đến những sáng kiến có giá trị đặc biệt lớn hay những sáng kiến có quy mô công nghiệp. Cuối cùng, để phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước, ngoài nỗ lực của bản thân ngành KH&CN, còn rất cần đến quyết tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là sự thấu hiểu, cảm thông và đồng hành của cả cộng đồng, xã hội. Chỉ có như vậy mới có thể phát huy cao nhất vai trò của KH&CN, lan tỏa sự đóng góp của KH&CN đối với phát triển KT-XH, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.