Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

23/07/2020 10:56 Tăng trưởng xanh
Tại Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có bài phát biểu với tiêu đề : "Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị". Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng:
Phát triển năng lượng quốc gia gắn với thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
chuong trinh hanh dong cua chinh phu trien khai thuc hien chien luoc phat trien nang luong quoc gia
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn.

Thưa các đồng chí,

Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 (Nghị quyết 55). Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, và là năm chúng ta đang khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 10 năm tới, thể hiện được quan điểm, tầm nhìn của Đảng đối với phát triển lĩnh vực năng lượng của quốc gia.

Quan điểm và mục tiêu phát triển năng lượng của Nghị quyết 55 là rất rõ ràng. Nghị quyết 55 đưa ra nhiều điểm mới trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và chi phí hợp lý.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 55 đề ra các định hướng xóa bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam. Nghị quyết cũng xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới là tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo. Nghị quyết 55 đã mở ra những cánh cửa mới, cho phép chúng ta tin tưởng vào một Chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp, để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Về phía Bộ Công Thương, dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.

Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 7 năm 2020, nhưng có những việc Bộ Công Thương đã phải triển khai sớm, thậm chí triển khai từ khi chưa có Chương trình hành động của Chính phủ, để sớm có những giải pháp thực hiện như: Bộ Công Thương triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII (dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020), Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2020), Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII trong khi chờ Quy hoạch điện VIII. Có thể nói đây là các đề án có tính nền tảng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển năng lượng, điện lực Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí,

Để Nghị Quyết 55 đi vào cuộc sống, được triển khai một cách hiệu quả, nhất quán trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì toàn bộ tinh thần của Nghị quyết, những nội dung tổng quát, các khía cạnh cụ thể của Nghị quyết cần phải được nghiên cứu và quán triệt đầy đủ. Những nét mới, những điểm đột phá của Nghị quyết như phát triển đa dạng các nguồn năng lượng một cách phù hợp; tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí...; tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách mới, mang tính đột phá, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng cần được cụ thể hóa bằng các Chương trình hành động, Nghị quyết cụ thể của Chính phủ. Vì vậy, những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55 sẽ bao gồm:

1. Đẩy mạnh hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách

- Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ ngành sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực này trong bối cảnh ngành năng lượng đang phát triển hết sức năng động. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có tính chất quan trọng và cấp bách đã được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ để tạo điều kiện cho ngành năng lượng phát triển ổn định, bền vững.

chuong trinh hanh dong cua chinh phu trien khai thuc hien chien luoc phat trien nang luong quoc gia
Hình ảnh tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020.

Hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc tại các quy định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực, còn nằm rải rác tại một số Luật, như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản... Các Luật này cần phải sớm được tổng kết, rà soát và sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại từ lâu nay, tạo điều kiện cho ngành năng lượng có thể biến đổi cả về chất và lượng theo chiều hướng ngày càng tốt lên.

Cùng với đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng giao các Bộ, ngành có nhiệm vụ phải cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng của mình song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Cần tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan để hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển Lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi chương trình Quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện tại Việt Nam; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cao, như ngành thép, hóa chất, xi măng, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Xây dựng Chương trình chuyển đổi thị trường phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao; Thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG, nhiên liệu sinh học, năng lượng điện, năng lượng có tiềm năng khác) để thay thế nhiên liệu truyền thống đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để gắn sự phát triển lĩnh vực năng lượng quốc gia với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

- Để đạt được các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo như đã đề ra trong Nghị quyết 55, đồng thời giải quyết những thách thức mà lĩnh vực năng lượng tái tạo phải đối mặt, Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Công Thương, phối hợp với các Bộ ngành, nghiên cứu triển khai xây dựng Luật Năng lượng tái tạo nhằm xây dựng những chính sách cụ thể, giải quyết các vấn đề bất cập, phát sinh không thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan tới việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cũng như bổ sung hướng dẫn những cơ chế mới như cơ chế đấu thầu cạnh tranh dự án, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế về tài chính, vốn, công nghệ..., sớm có cơ sở pháp lý để xây dựng lộ trình triển khai cụ thể nhằm hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 55, thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ năng lượng ngày càng sạch hơn, xanh hơn, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. ... điện cạnh tranh

- Thực tế công tác phát triển năng lượng tái tạo thời gian vừa qua cho thấy, nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, chúng ta có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn nhiều so với kỳ vọng. Vì vậy, để thu hút các thành phần kinh tế khác có điều kiện tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích và làm rõ một số quy định tại một số Luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn vào những lĩnh vực khác nhau của hệ thống năng lượng quốc gia, đặc biệt là đầu tư vào phát triển hệ thống điện. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng. Để tháo gơ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng

- Xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành năng lượng; bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa đối với các nhà máy điện nói riêng và dự án năng lượng nói chung; thúc đẩy việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để làm chủ công nghệ, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các trang thiết bị phục vụ lĩnh vực năng lượng.

2. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành năng lượng, đảm bảo môi trường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng

- Cơ sở hạ tầng năng lượng chính là mạch máu đảm bảo sự lưu thông, vận hành trơn tru của toàn ngành năng lượng. Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng bằng cách hoàn thiện cơ chế, xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng truyền thông số; hệ thống giám sát, quản lý năng lượng tự động, báo cáo thống kê năng lượng quốc gia phục vụ công tác quản lý, điều hành hiệu quả ngành năng lượng;

- Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng. Chính phủ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai thực hiện các dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt là các dự án điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực; Xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng năng lượng; tạo điều kiện để thị trường điện phát triển đúng đắn, phù hợp với chủ trương minh bạch hóa ngành năng lượng.

- Từ một nước xuất khẩu năng lượng, hiện Việt Nam hiện đã trở thành nước nhập khẩu thô năng lượng. Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược là chủ trương lớn của Chính phủ để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài. Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ thúc đẩy triển khai chương trình trao đổi điện từ các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhập khẩu từ các nhà máy điện hoặc qua lưới điện; nghiên cứu liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng Mê Kông để tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư dự án năng lượng ở nước ngoài. Thúc đẩy hợp tác với các quốc gia có tiềm năng về nghiên cứu và phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; tranh thủ hợp tác nâng cao năng lực và tiềm lực khoa học công nghệ đối với cán bộ và tổ chức khoa học và công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

- Nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với phát triển ngành năng lượng thời gian tới là phải đảm bảo môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Để hoàn thành được mục tiêu tưởng chừng rất khó này, Chính phủ sẽ cho triển khai áp dụng các mô hình sử dụng các nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng chất thải; áp dụng giải pháp thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại các cơ sở, trung tâm phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại và siêu thị; hoàn thiện khung chính sách, xây dựng và bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải và chất thải trong ngành năng lượng.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ từ ngân sách đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Cơ chế sản xuất công nghiệp phát thải thấp và gắn sản xuất công nghiệp với cơ chế nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công thương để phế thải, phế phẩm và chất thải của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác.

- Vai trò lãnh đạo của Đảng, sự hiện diện của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển ngành năng lượng là một quan điểm chỉ đạo mới trong Nghị quyết 55. Chính phủ sẽ xây dựng các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, cả hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng để xây dựng các cơ chế phối hợp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực năng lượng phát triển.

3. Vai trò của địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 55

- Cùng với Chính phủ, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng Nghị quyết số 55 đối với ngành năng lượng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương, đất nước.

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng các cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn; tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá để phát triển bền vững ngành năng lượng.

- Các địa phương cần cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch để tránh chồng lấn với các quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng, tạo điều kiện huy động tối đa tài nguyên phát triển ngành năng lượng và các ngành công nghiệp trong nước.

- Tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án lưới điện; xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, có phương án hỗ trợ thi công trong trường hợp cần thiết.

- Tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các công trình năng lượng trên địa bàn.

Cuối cùng, tôi xin chúc Diễn đàn Năng lượng cấp cao 2020 thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

CNMT
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động