Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

17/07/2020 12:54 Tăng trưởng xanh
1. Mở đầu
Xây dựng chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Trải qua một quá trình phát triển của kinh tế thế giới từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, lên công nghiệp, công nghiệp hiện đại và hướng đến nền kinh tế số, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên cùng với đó là sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng. Để khắc phục những vấn đề này nhằm đảm bảo cho kinh tế phát triển ổn định, không thiếu hụt nguồn cung cấp đầu vào cho hệ thống kinh tế và giảm thiểu tối đa chất thải đưa ra môi trường, hướng đến một nền kinh tế không có chất thải, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính (Linear Economy), dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên thiên nhiên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường sang kinh tế tuần hoàn (Circular Economy), dựa trên nguyên lý chất thải đầu ra của hoạt động kinh tế sẽ được thu hồi trở lại đầu vào cho hệ thống kinh tế dưới dạng tài nguyên và không phát thải ra môi trường.

Ở Việt Nam, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống đó là kinh tế tuyến tính, đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để thực hiện phát triển nhanh, bền vững, giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp. Tuy nhiên việc chuyển đổi này cần phải nắm bắt được những cơ hội và chấp nhận những thách thức cần phải vượt qua.

2. Luận cứ về kinh tế tuần hoàn

2.1. Luân chuyển vật chất trong hệ thống kinh tế nhìn từ sản xuất và tiêu dùng

Trong mỗi nền kinh tế, vốn, lao động, khoa học và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên được xác định là những đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất. Cùng với đó, các hoạt động kinh tế, dân sinh sẽ tạo ra chất thải vào môi trường (hình 1).

co hoi va thach thuc cho phat trien kinh te tuan hoan o viet nam

Từ khái quát hóa phiên bản của Barry C.Field cho thấy để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế đối với môi trường tự nhiên, trong hệ thống kinh tế phải khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thô và giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường do nền kinh tế tạo ra thông qua tái sử dụng, tái chế chất thải. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được dựa trên nguyên lý động lực học, định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, tính thực tiễn của hoạt động kinh tế, cho phép chuyển hóa chất thải quay vòng trở lại đầu vào của hệ thống kinh tế.

2.2. Vai trò của kinh tế tuần hoàn

Nền kinh tế tuần hoàn mô tả một hệ thống kinh tế dựa vào các mô hình kinh doanh thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu trong các quá trình sản xuất/phân phối và tiêu dùng ở các cấp độ vi mô (sản xuất, các doanh nghiệp, người tiêu dùng), cấp độ trung gian (ví dụ như các khu công nghiệp sinh thái), cấp độ vĩ mô (thành phố, vùng, quốc gia và rộng hơn nữa), với mục tiêu đạt được phát triển bền vững với ngụ ý đảm bảo chất lượng môi trường tốt, sự thịnh vượng về kinh tế và công bằng xã hội, đáp ứng lợi ích hiện tại và tương lai (William McDonough, 2018). Kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ ra môi trường, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi đó kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra chất thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức, từ thiết kế lại (Redesign), giảm thiểu (Reduce) sửa chữa (Repair), tái sử dụng (Reuse), tái chế (Recycle), và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ (sharing) hoặc cho thuê (leasing).

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu (hình 2). Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn giúp đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (European Commission, 2018). Tiếp cận chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn mang lại những lợi ích trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên, thực hiện SDGs, biến đổi khí hậu (Parson Michael, 2019): (i) cách tiếp cận này không chỉ là những điều chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nền kinh tế truyền thống - kinh tế tuyến tính mà còn là một sự thay đổi hệ thống tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, cơ hội kinh doanh cũng như mang lại những lợi ích môi trường và xã hội; (ii) là cơ sở tiền đề để thực hiện các mục phát triển bền vững (SDGs 2030) thông qua đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững như: giảm tỷ lệ hiện nay về suy giảm tài nguyên, gìn giữ cho đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để hỗ trợ thực hiện 100% tỷ lệ tái chế chất thải thành nguyên liệu; (iii) là con đường hướng đến nền kinh tế các bon thấp, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng. Tính toán của EU cho thấy, kinh tế tuần hoàn thông qua việc đo lường, kiểm soát các hoạt động từ phía nhu cầu có thể giúp giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp.

co hoi va thach thuc cho phat trien kinh te tuan hoan o viet nam

2.3. Nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn

Theo Ellen MacArthur Foundation (2015) thì kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính: bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống (Andrew Morl, 2015).

(1) Duy trì và tăng cường vốn tự nhiên thông qua kiểm soát các tài sản hữu hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo với các mức độ : phục hồi, chuyển hóa, trao đổi.

(2) Tối ưu hóa năng suất tài nguyên thông qua tuần hoàn các sản phẩm, các linh kiện và vật liệu để sử dụng được ở mức độ thỏa dụng cao nhất.

(3) Thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực.

2.4. Phân loại các cấp độ của kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn có nhiều cách tiếp cận khác nhau, theo cấp độ được chia thành ba cấp:

(a) Cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái; nghĩa là được nhìn nhận từ các công đoạn của quá trình sản xuất của doanh nghiệp

(b) Cấp độ trung gian, kinh tế tuần hoàn bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái và các hệ thống nông nghiệp sinh thái khác; từ việc thiết kế để tạo cơ hội tốt nhất cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động của doanh nghiệp.

(c) Cấp độ cao, cấp độ doanh nghiệp. Ở cấp độ này toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

3. Những biểu hiện tiếp cận kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Từ luận cứ về kinh tế tuần hoàn, xem xét từ bản chất, nội hàm, quá trình hình thành và phát triển để khái quát hóa tiếp cận kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam có thể nhận thấy hiện nay chúng ta chưa có những mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ đúng nghĩa của nó, tuy nhiên những biểu hiện sự hình thành và quá trình phát triển từ trước đến nay, những mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã có khá sớm, xét theo lĩnh vực ngành có thể nhìn nhận như sau:

3.1. Đối với ngành nông nghiệp

- Mô hình thu gom phân ủ tưới hoa màu và rau ngoại thành Hà Nội (điển hình làng Cổ Nhuế, huyện Từ liêm, Hà Nội trước đây, những năm thập niên 50-70 của thế kỷ XX khi chưa xuất hiện bồn vệ sinh dùng nước. Rơm rạ là thức ăn cho trâu bò, thời chiến tranh rơm rạ là nguyên liệu chế ra các trang bị tránh mảnh bom, mảnh đạn.

- Mô hình vườn – ao – chuồng (VAC), vườn – rừng – ao – chuồng (VRAC) từ những thập niên 70-80 của thế kỷ XX, mô hình kinh tế sinh thái từ những thập niên 90-2000. Những mô hình này là sự kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi theo dạng chuỗi thức ăn, sau này đến sau năm 2000 bổ sung thêm thu hồi khí từ vật nuôi dạng hầm Biogas.

- Hiện nay, mô hình chăn nuôi hộ trang trại thu hồi phân, khí Biogas mang lại hiệu quả kinh tế tăng thu nhập cùng với bán sản phẩm đầu ra, điển hình mô hình nuôi bò Mộc Châu của một số hộ gia đình.

- Mô hình sử dụng rơm rạ sau thu hoạch lúa để dùng bón phân, sản xuất nấm rơm, vật liệu xây dựng ở một số địa phương nhưng chưa phổ biến. Thu hoạch tận dụng bẹ ngô làm hàng thủ công mỹ nghệ.

Tất cả các hoạt động kinh tế trên trong lĩnh vực nông nghiệp đều là thu hồi chất thải quay vòng cho tái chế, chuyển hóa chất thải nhằm thu được lợi ích tổng thể cao.

4.2. Đối với ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

- Sự xuất hiện các làng nghề truyền thống ở Việt Nam sử dụng các phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất công nghiệp: Sản xuất thép tái chế Đa Hội - Bắc Ninh, sản xuất giấy tái chế Dương Ổ - Bắc Ninh, sản xuất đồ nhựa, nilon tái chế Minh Khai-Hưng Yên, thủy tinh tái chế… xuất hiện sớm và nay vẫn tồn tại phát triển.

- Sản xuất sạch hơn đã được triển khai trong các doanh nghiệp và đem lại hiệu quả nhất định đối với các doanh nghiệp có công nghệ cũ sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng và xả thải trực tiếp ra môi trường. Mô hình này được tiếp cận dựa trên cơ sở sinh lời của doanh nghiệp nhờ cải tiến các công đoạn sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và thu hồi chất thải, chính vì vậy đã huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện là chính. Điển hình như công ty sàng tuyển than Cửa Ông, Quảng Ninh thay vì nước rửa than trước đây thải ra biển, sau đó chuyển sang thu hồi nước, lắng đọng cặn dạng than bùn, sử dụng lại nước rửa than, hạch toán kinh tế tăng lợi nhuận cho công ty và không xả nước thải rửa than ra môi trường.

- Sự ra đời của của khu công nghiệp sinh thái mới đây ở Hải Phòng, Ninh Bình và một số địa phương khác từ chỉ đạo của Chính phủ đã có sự đánh giá tổng kết của UNIDO là mô hình gần với kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế điển hình ở Việt Nam trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

- Một số doanh nghiệp đã có những biểu hiện tái sử dụng, tái chế chất thải như công ty thuốc lá Thăng Long trước đây (bán cuộng lá thuốc lá sơ chế cho nông hộ trồng hoa Vĩnh Phúc làm phân bón, bán lại phần loại thải bìa Carton bao gói cho tái chế giấy), công ty bia Hà Nội (sử dụng lại chai theo hình thức đặt cọc), công ty bia Heineken (sử dụng lại chai và tái chế nắp chai cho làm cầu)… và nhiều công ty khác không để lãng phí chất thải có thể tái sử dụng, tái chế mang lại hiệu quả kinh tế.

Tất cả các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp như đã chỉ ra ở trên, chất thải được tái sử dụng, tái chế hoặc đầu vào cho lĩnh vực hoạt động kinh tế khác, những hoạt động này chủ yếu dựa trên cơ sở động lực và hiệu quả kinh tế mang lại cho doanh nghiệp.

4.3. Đối với ngành dịch vụ, du lịch

- Dịch vụ thu gom phế liệu, phế thải có giá trị đầu vào cho tái sử dụng, tái chế như sắt thép và kim loại khác đã có từ rất sớm ở Hà Nội - đường đê La Thành, thu gom tóc rối, lông gà, lông vịt - làng chùa Khúc - Hà Nội, các mô hình này xuất hiện từ những thập niên 50-60 của thế kỷ XX.

- Dịch vụ xử lý rác thải theo công nghệ mới như công nghệ chân không để tạo ra các nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tư nhân - Quảng Bình, công nghệ đốt phát điện - TP. Hồ Chí Minh, công nghệ ủ rác thu hồi khí Mê Tan và phát điện - Hà Nội.

- Trong lĩnh vực thương mại, xuất hiện giảm thiểu chất thải nhựa, túi nilon thay thế sản phẩm dễ phân hủy và sử dụng nhiều lần.

- Trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, việc thu gom chất thải thức ăn dư thừa để bán lại cho cơ sở chăn nuôi hoặc chế biến phân bón hữu cơ có thể được xem tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Nhìn nhận các hoạt động kinh tế thuộc ba nhóm ngành gần với kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, du lịch cho thấy, chúng ta mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải và một số loại chất thải lĩnh vực này là đầu vào của hoạt động kinh tế khác, kết quả mang lại chủ yếu lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, chưa tính tới lợi ích kinh tế tổng thể nên chính hoạt động của tái sử dụng, tái chế chất thải là nguyên nhân gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường.

5. Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

5.1. Cơ hội

Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay có những cơ hội sau:

Thứ nhất, đây là xu hướng chung của toàn cầu đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapo…, chính vì vậy Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước đi trước và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Thứ hai, chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN việc chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” được thiết kế từ chủ trương của Đảng nhằm phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững là cơ hội lớn.

Thứ ba, việc khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Thứ tư, chúng ta đã và đang hướng đến cách mạng 4.0 thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả phát triển so với cách thức phát triển trước đây.

Thứ năm, áp lực của thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa và túi nilon được Đảng và Nhà nước hết sức chú trọng, do vậy thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần nắm bắt cơ hội này. Ngoài ra chúng ta đang thực hiện SDGs và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn chính là cách thức phát triển giúp cho thực hiện nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu của SDGs, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ là ưu thế cho giảm thiểu các chất gây hiệu ứng nhà kính, vì chúng được thu hồi gần như triệt để, không phát thải ra môi trường.

Thứ sáu, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ của xã hội, vì cách thức phát triển này sẽ giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

5.2. Thách thức

Thứ nhất, nhận thức đúng về bản chất của kinh tế tuần hoàn được thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo để tạo ra một đồng thuận chung là thách thức lớn.

Thứ hai, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình trong bối cảnh chúng ta là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đây là thách thức lớn cần phải vượt qua.

Thứ ba, chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn, thách thức này cần phải được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chỉ là tự phát và chịu sự điều chỉnh của động lực thị trường.

Thứ tư, chúng ta chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn, đây là thách thức lớn để biết được sự phát triển kinh tế hiện nay đã tiếp cận tới phát triển kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực và địa phương ở mức độ nào.

Thứ năm, kinh tế tuần hoàn là đỉnh cao của cách tiếp cận hướng đến phát thải bằng không, đòi hỏi một sự phối hợp chia sẻ thực sự gắn với lợi ích kinh tế, do vậy việc sử dụng động lực kinh tế, cơ chế thị trường để gắn kết các bên liên quan nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn là thách thức lớn.

Thứ sáu, để thực hiện kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết được từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng tái sử dụng, tái chế chất thải. Hiện nay những chuyên gia này chưa được đào tạo và chưa có chuyên ngành đào tạo.

Thứ bảy, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây là thách thức không nhỏ đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân.

5. Đề xuất kiến nghị phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Thứ nhất, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Kinh nghiệm các nước đã và đang thực hiện kinh tế tuần hoàn đều có luật và quy định pháp lý rõ ràng. Việt Nam cần có lộ trình và tiến tới xây dựng luật cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, triển khai mô hình, tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam và phổ biến rộng rãi đến doanh nghiệp, người dân, các nhà quản lý để có một nhìn nhận đúng và rất thực tiễn.

Thứ ba, phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng.

Thứ tư, tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, người dân nhất là khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ thực hiện phát triển các lĩnh vực thuộc kinh tế tuần hoàn, xác lập rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy cần có cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải là nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.

Thứ sáu, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Đối với Việt Nam, ưu tiên trước hết là chất thải nhựa và túi nilon phải thực hiện và đưa vào kế hoạch 5 năm tới để giải quyết triệt để, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường dựa trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ bảy, vấn đề cần phải giải quyết ngay đối với Việt Nam là phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch, vận chuyển đưa vào tái sử dụng tái chế. Phân loại rác tại nguồn phải trở thành yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân.

6. Kết luận

Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đòi hỏi phải hiểu rõ bản chất và luận cứ được cách thức phát triển này. Để phát triển kinh tế tuần hoàn cần tổng kết, đánh giá những mô hình phát triển đã có đối với các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, du lịch, từ đó nhận dạng những cách thức phát triển gần với tiếp cận kinh tế tuần hoàn làm cơ sở để nâng cấp lên phát triển theo những tiêu chí của kinh tế tuần hoàn. Phát triển kinh tế tuần hoàn, cần nhận thức được những cơ hội để tận dụng các cơ hội này, mặt khác cũng phải thấy được những thách thức đối với phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ gặp phải để có biện pháp khắc phục. Phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải có những giải pháp phù hợp dựa trên thực tiễn của Việt Nam và những bài học kinh nghiệm của thế giới.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Almas Heshmati. (2015). A Review of the Circular Economy and its Implementation. Forschungsinstitut zur Zukunft der Arbeit Institute for the Study of Labor.

2. Andrew Morl. (2015). Delivering the circular economy: a toolkit for policymakers. Foundation Ellen MacArthur.

3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, . (2014, 9 6). Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

4. Bộ TN&MT. (2018). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2017: chuyên đề quản lý chất thải rắn. Hà Nội: Nxb Tài nguyên và Môi trường.

5. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. (2015, 4 24). Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.

6. Đặng Quốc Thắng. (2016). Báo cáo tổng kết đề tài KHCN Cấp Bộ:. Hà Nội: Bộ TN&MT.

7. Doãn Thành. (2019, 2 16). Tỷ lệ đô thị hóa năm 2019 sẽ đạt 40%. Retrieved from Kinh tế và Đô thị: http://kinhtedothi.vn/ty-le-do-thi-hoa-nam-2019-se-dat-40-336325.html

8. Ellen Macathur Foundation. (n.d.). Institutions, Governments & Cities. Retrieved from Ellen Macathur Foundation: https://www.ellenmacarthurfoundation.org/our-work/approach/government-and-cities

9. European Commission. (2018). Communication from the commission to European paliament, the council, the european economic and social comittee and the committee of regions: on a monitoring framework for the circular economy. Strasbourg,: European Commission,.

10. European Recycling Platform. (2017). Circular Economy: Roles and Responsibilities for involved stakeholders. https://erp-recycling.org/wp-content/uploads/2017/11/ERP-Circular-Economy-Roles-and-Responsibilities.pdf.

11. Fabrice Mathieux. (2017). Critical raw materials and the circular economy. : Joint Research Centre, Via E. Fermi 2749, 21027 Ispra, ITALY: European Commission. doi:10.2760/378123

12. Jinhui Li. (n.d.). Role of circular economy in achieving Sustainable Development Goals( SDGs): A Case Study of China., (pp. http://www.uncrd.or.jp/content/documents/4418Presentation_Jinhui%20Li_PS-1.pdf).

13. MONRE. (2017). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016: chuyên đề môi trường đô thị. Hà Nội: Nxb Tài nguyên và Môi trường.

14. Nguyễn Quang. (2018). Quản lý chất thải rắn: Vấn đề nóng của đô thị Việt Nam. Tạp chí Nhịp cầu và Đầu tư, https://nhipcaudautu.vn/song/quan-ly-chat-thai-ran-van-de-nong-cua-do-thi-viet-nam-3326176/.

15. Nguyễn Thế Chinh, L. V. (2016). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với tăng trưởng xanh. Hà Nội: Tạp chí Môi trường.

16. Parson Michael. (2019). Circular Economy - Doi moi. Ha Noi: Adviser for Minister of Ministry of National Resoures and Environment.

17. Paul Ekins and Nick Hughes. (2016). Resource Efficiency: Potential and Economic Implications Summary for Policymakers. UNEP - International Resource Panel.

18. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa 13. (2014). Luật bảo vệ môi trường. Retrieved from Bộ Tư pháp.

19. The OECD Centre for Entrepreneurship, S. R. (2019). OECD. Retrieved from http://www.oecd.org/regional/regional-policy/circular-economy-cities.htm.

20. Trần Huy Ánh. (2018). Cải thiện quản lý chất thải rắn đô thị rất quan trọng để Đô thị phát triển bền vững. Tạp chí kiến trúc, https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/cai-thien-quan-ly-chat-thai-ran-do-thi-rat-quan-trong-de-do-thi-phat-trien-ben-vung.html.

21. UNEP (2009). Environmental governance. Narobi, kenya: United Nations Environment Programme (UNEP).

22. William McDonough. (2018). Circular Economy in Cities Evolving the model for a sustainable urban future. Switzerland : World Economic Forum.

23. World Bank. (2019, 3 1). Solid Waste Management. Retrieved from World Bank Website: https://www.worldbank.org/en/topic/urbandevelopment/brief/solid-waste-management.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động