Đà Lạt (Lâm Đồng): Cá chết hàng loạt tại hồ Xuân Hương
Theo người dân địa phương từ sáng 27/3, tại hồ Xuân Hương và hồ lắng số 1, đường Trần Quốc Toản, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) xuất hiện từng đàn cá bơi sát vào bờ, nổi lên mặt nước đặc kín hồ thoi thóp thở. Nhiều con yếu dần rồi kiệt sức, phần lớn là cá mè, rô phi, cá lóc, trắm…
Cá nổi lên mặt nước đặc kín hồ thoi thóp thở ngày 27/3 (Hình báo CAND) |
Đến sáng 28/3 thì xuất hiện rất nhiều cá chết trôi dạt vào bờ hồ khiến công nhân vệ sinh môi trường phải dùng vợt thu gom số cá chết để tiêu hủy, tránh gây ra ô nhiễm môi trường.
Kết quả kiểm tra quan trắc cho thấy không phải nước hồ Xuân Hương bị ô nhiễm và thiếu ô xy (Hình báo Thanh Niên) |
Một lãnh đạo TP. Đà Lạt cho biết, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Lạt đã cử cán bộ đến hồ Xuân Hương kiểm tra. Kết quả kiểm tra quan trắc cho thấy không phải nước hồ Xuân Hương bị ô nhiễm và thiếu ô xy dẫn đến cá chết. Còn kết quả kiểm tra chất lượng nước cho thấy nước hồ vẫn đủ lượng ô xy.
Cá chết hàng loạt nổi trên mặt hồ (hình báo CAND) |
Theo cơ quan chức năng, cá chết chủ yếu là cá to nên có thể nhận định đó là cá phóng sinh vào dịp rằm tháng 2 âm lịch vừa qua. Khi cá phóng sinh được thả xuống hồ, do thay đổi đột ngột môi trường nước nên bị ngộp và chết. Bên cạnh đó, có hiện tượng nhiều người câu cá giải trí xung quanh hồ Xuân Hương câu được cá xong thả lại xuống hồ khi cá đã mắc lưỡi câu, cá đã bị tổn thương nên dẫn đến tình trạng cá bị kiệt sức và chết.
Công nhân môi trường thu gom cá chết (Hình báo Thanh Niên) |
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Minh Ngọc - Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ - Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Vào mùa nắng nóng, nguồn nước sạch vào hồ Xuân Hương không có nên hồ trở thành "ao tù" khiến tảo lam phát triển, gây ô nhiễm. Hiện tượng này năm nào cũng có nhưng kéo dài không lâu, khi trời mưa lớn nước ở thượng nguồn đổ về, xi phông tự động sẽ mở đẩy nước bẩn đi, hồ sẽ trong xanh trở lại”.
Xe thu gom rác và cá chết ở hồ Xuân Hương mang đi tiêu hủy (hình báo Thanh Niên) |
Suốt nhiều năm qua, ô nhiễm nguồn nước và nạn tảo lam ở hồ Xuân Hương là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương. Vào mùa khô, nước ở hồ ứ đọng, loại tảo này có dịp bùng phát, nổi lên đặc quánh mặt hồ ở nhiều vị trí và bốc mùi hôi nồng nặc.
Sau nhiều lần đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng tảo lam, các cơ quan chức năng quyết định chọn phương án trồng bông súng và thả cá mè để tiêu diệu loại tảo này. Tuy nhiên, tới nay phương án trên không phát huy tác dụng. Thậm chí, cá mè cũng chết hàng loạt do nguồn nước hồ bị ô nhiễm và nạn tảo lam bùng phát./.
Trường Giang