Đà Nẵng: Triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”

20/06/2023 08:12 Tăng trưởng xanh
Công nghiệp hóa chất là một ngành công nghiệp có sự đa dạng về sản phẩm, phục vụ cho tất cả các ngành liên quan đến kinh tế kỹ thuật như: sản xuất phân bón, hợp chất ni tơ, plastic, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh, chất tẩy rửa, sơn, vecni..., đồng thời giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động. Phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường là câu chuyện trách nhiệm của các địa phương trên cả nước.
Đà Nẵng cần nhiều nỗ lực hơn trong thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040
Đà Nẵng cần nhiều nỗ lực hơn trong thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040

Ngày 01/6/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Kế hoạch nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các phân ngành hóa chất thuộc danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư.

Trong đó tập trung phấn đấu đạt tăng trưởng ngành công nghiệp hoá chất bình quân 12- 15%/năm vào năm 2030; đạt bình quân 8-10% vào năm 2040; phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu ngành công nghiệp hoá chất, chủ yếu là săm lốp cao su, cao su kỹ thuật, đạt bình quân 10-12%/năm vào năm 2030; đạt bình quân 8-10% vào năm 2040.

Theo đó, định hướng là phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên cơ sở tập trung phát huy lợi thế của một số ngành sản xuất đã có, đồng thời thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm mới trên nguyên tắc: dự án có công nghệ hiện đại, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị của thành phố Đà Nẵng, coi trọng hiệu quả kinh tế và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Khuyến khích các doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, trở thành các thương hiệu mạnh, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Triển khai linh hoạt, hiệu quả trong quá trình thu hút đầu tư các dự án hóa chất công nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ - thiết bị, hợp lý hóa sản xuất ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích sản xuất bao bì nhựa thân thiện môi trường; không thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất độc hại, có nguy mất an toàn và gây ô nhiễm môi trường như: hóa chất cơ bản (trừ khí công nghiệp), thuốc bảo vệ thực vật, chất nổ, tái chế nhựa bằng công nghệ lạc hậu...

Các dự án hóa chất sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khuyến khích có xuất xứ G7, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Các dự án sản xuất trong ngành hóa chất, cao su, bắt buộc tập trung trong các khu, cụm công nghiệp của thành phố, trong đó: các dự án trong ngành hóa chất, cao su được tập trung bố trí trong khu công nghiệp Liên Chiểu hoặc các khu, cụm công nghiệp phù hợp; riêng sản xuất hóa dược, dược phẩm, mỹ phẩm, cao su kỹ thuật được bố trí phù hợp theo định hướng ngành nghề của từng khu, cụm công nghiệp.

Riêng các dự án có công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch (dược phẩm, chi tiết, linh kiện nhựa, cao su cao cấp...) có thể bố trí vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ nhựa và cao su phục vụ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm phần cứng trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin có thể bố trí vào các Khu công nghệ thông tin tập trung của thành phố.

UBND thành phố giao Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhằm thu hút các dự án thuộc các phân ngành hoá chất khuyến khích đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện, định hướng và nhu cầu phát triền của thành phố; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Căn cứ nội dung, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch, Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, tổ chức, doanh nghiệp liên quan chủ động tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép với các chương trình kế hoạch, dự án phát triển của địa phương; hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả kế hoạch.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động