“Đầu tàu kinh tế” lạc quan bước vào năm 2023
“Đầu tàu kinh tế” - TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2023 và tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế đất nước |
Kết thúc năm 2022 nhiều biến động, “đầu tàu kinh tế” - TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu đáng ngạc nhiên, các lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP. Hồ Chí Minh tăng 9,44% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%); Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 19,92% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu cả nước ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu cả nước ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao 118% so với kế hoạch được giao, đạt 457.000 tỉ đồng, tương đương gần 1/3 tổng thu ngân sách của cả nước.
Với đà tăng trưởng này, bất chấp những thách thức đang đặt ra trong năm 2023, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên 8%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh hạ quyết tâm, năm 2023 dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng TP. Hồ Chí Minh sẽ làm việc gấp đôi, gấp ba lần để duy trì mức tăng trưởng kinh tế trên 7%.
Theo 3 kịch bản dự báo về tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 thì dù thế giới có những biến động về dịch bệnh, chiến tranh cùng khủng hoảng bất động sản, lạm phát và có nững tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố thì trong năm 2023 kinh tế vẫn tăng trưởng trên 7%.
Cụ thể, với kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt ở mức 7,5%, dự báo từ 6,94% – 8,1%. Kịch bản bất lợi, tăng trưởng đạt 7,03%, dự báo từ 6,47% – 7,59%. Kịch bản thuận lợi, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 8,08%, dự báo từ 7,52% – 8,64%.
Theo kịch bản bất lợi nhất, đó là chính sách Zero Covid, khủng hoảng bất động sản tại đất nước làng giềng - Trung Quốc có thể ảnh hưởng chuỗi cung cầu, gia tăng lạm phát; tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn suy thoái cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại một số nền kinh tế lớn kéo theo sức tiêu thụ sụt giảm. Cùng đó, chiến sự Nga – Ukraine tiếp tục lao thang theo chiều hướng xấu, làm cho nguồn cung xăng dầu khan hiếm, ngũ cốc, phân bón, lạm phát toàn cầu tiếp tục, dẫn đến giá cả hàng hóa trong nước có chiều hướng tăng.
Với tăng trưởng các khu vực kinh tế, diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư. Ngoài ra, giá cả sinh hoạt tăng, thu nhập người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dẫn đến sức mua hàng hóa tiêu dùng trong nước giảm mạnh.
Với vốn đầu tư, thị trường chứng khoán và tiền tệ với những diễn biến theo chiều hướng tiêu cực ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp… Thu ngân sách không như kỳ vọng; tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công bị ảnh hưởng.
Nếu thực tế đối mặt với kịch bản bất lợi trên, tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 dự kiến cũng đạt trên 7,03%.
Ngược lại, ở kịch bản tăng trưởng kinh tế thuận lợi. Cụ thể, tình hình lạm phát tại một số quốc gia lớn là đối tác thương mại của TP.Hồ Chí Minh được kiểm soát tốt, chiến sự Nga – Ukraine bớt căng thẳng và Trung Quốc thay đổi chính sách Zero Covid, giúp doanh nghiệp có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất. Theo đó, nhu cầu lao động tăng, nguồn cung xăng dầu ổn định, giá cả được kiểm soát tốt thúc đẩy sức mua nội địa thì tăng trưởng kinh tế sẽ cao, đạt đến 8,08%.
Theo Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - HIDS, cả 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 của TP. Hồ Chí Minh được xây dựng với giả định các yếu tố tác động tăng trưởng ở góc độ tổng cung, tổng cầu và phân tích năng lực nội tại của địa phương.
Cũng theo Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - HIDS, kịch bản cơ sở là kịch bản nhiều khả năng thành phố sẽ đạt được. Cụ thể, với kịch bản này, vào năm 2023, chính sách Zero Covid của Trung Quốc dần nới lỏng, du khách quốc tế quay trở lại TPHCM, kéo theo khu vực dịch vụ phục hồi mạnh. Chiến sự Nga - Ukraine giảm dần căng thẳng, tạo điều kiện dần ổn định nguồn cung xăng dầu và nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho ngành điện - điện tử.
Các gói hỗ trợ kinh tế cũng như các dự án đầu tư công dần phát huy hiệu quả. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi, tiêu dùng nội địa tăng. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn, tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại.
Thu ngân sách từ các hoạt động kinh tế tăng trưởng khá sẽ tạo điều kiện cho chi đầu tư phát triển gia tăng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Vì vậy, kinh tế thành phố tiếp tục đà tăng và ở mức tương đương giai đoạn trước dịch. Với giả định này, tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh vào năm 2023 sẽ đạt ở mức 7,5%.
Xuân Phúc
Tin mới
Khảo sát của Herbalife tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 9 trên 10 người Việt cho rằng một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng để hỗ trợ sức k
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.