Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trong lĩnh vực phòng vệ thương mại

15/08/2019 16:34 Tăng trưởng xanh
Các đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ, lồng ghép các kiến thức về phòng vệ thương mại (PVTM) trong các chương trình, kế hoạch hành động, các hội thảo, hội nghị do đơn vị tổ chức để công tác thông tin, truyền thông, phối hợp trong lĩnh vực PVTM thực sự hiệu quả hơn nữa.
Thủ tướng chỉ đạo chống gian lận xuất xứ

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với Cục PVTM mới đây.

Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM, trong 7 tháng đầu năm 2019, cùng với các biện pháp đã áp dụng, Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra chống bán phá giá (CBPG) 4 vụ việc (tôn màu, nhôm định hình, ván gỗ MDF, màng BOPP); thẩm định hồ sơ 3 vụ việc (thép cuộn cán nguội, đường lỏng HFCS, vật liệu hàn); rà soát cuối kỳ 1 vụ việc thép không gỉ cán nguội; theo dõi hiệu quả áp dụng biện pháp CBPG của 2 vụ việc (thép mạ, thép hình chữ H).

Bên cạnh đó, Cục PVTM cũng phối hợp với các đơn vị trong Bộ tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong việc xem xét sử dụng biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm, như: sợi DTY, ống thép, bột ngọt… theo đúng quy định pháp luật, xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp CBPG đối với một số hàng hóa trong nước chưa sản xuất được nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp liên quan.

day manh cong tac thong tin truyen thong trong linh vuc phong ve thuong mai
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Về các biện pháp tự vệ, trong 7 tháng đầu năm, Cục PVTM đã theo dõi hiệu quả áp dụng biện pháp tự vệ của 4 vụ việc (bột ngọt, tôn màu, phôi thép - thép dài, phân bón), thẩm định hồ sơ gia hạn biện pháp tự vệ của 2 vụ việc (phôi thép - thép dài, phân bón), xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số hàng hóa trong nước chưa sản xuất được nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp liên quan.

Các biện pháp PVTM đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của trên 100.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Qua theo dõi tác động của các biện pháp PVTM, Bộ Công Thương nhận thấy việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Nhờ công cụ PVTM, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất, điển hình như Công ty Ơhân bón DAP Hải Phòng, Công ty Thép Việt Trung, Công ty Thép Việt Ý, Công ty thép Pomina...

Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, 7 tháng đầu năm 2019, tần suất các vụ kiện PVTM với hàng hóa xuất khẩu của ta vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/tháng). Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc phòng vệ thương mại (5 vụ việc CBPG, 2 vụ việc trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, 4 vụ việc rà soát biện pháp PVTM đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm. Trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Hoa Kỳ 2 vụ việc, Malaysia 1 vụ việc.

Đối với các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO, Bộ Công Thương đang xử lý 3 vụ việc, trong đó 1 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực (Indonexia hủy bỏ biện pháp áp dụng với tôn lạnh), 2 vụ việc đang trong quá trình tham vấn (chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ và phương pháp tính biên độ trong vụ việc Hoa Kỳ rà soát CBPG đối với cá tra).

Cục trưởng Cục PVTM nhận định, thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Công Thương, nhiều vụ việc đã có kết quả tích cực như Canada công nhận ngành sản xuất ống thép hàn các-bon của Việt Nam hoạt động theo các nguyên tắc kinh tế thị trường, từ đó thay đổi phương pháp tính toán và áp dụng mức thuế CBPG thấp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam; Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống trợ cấp thấp đối với sản phẩm bao túi dệt bằng chất dẻo của Việt Nam; Ấn Độ không áp dụng thuế chống trợ cấp đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu ống thép không gỉ của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn; Ấn Độ xác nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường và không áp dụng phương pháp tính toán biên độ CBPG bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề PVTM chưa thực sự được các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) và các địa phương chú trọng, đến khi sự việc xảy ra mới bắt đầu tìm hiểu, gây ra tổn thất về kinh tế. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ, lồng ghép các kiến thức về PVTM trong các chương trình, kế hoạch hành động, các hội thảo, hội nghị do đơn vị tổ chức để công tác truyền thông, phối hợp thực sự hiệu quả hơn nữa.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong các buổi làm việc của lãnh đạo Bộ với địa phương, cần đưa nội dung PVTM để lãnh đạo các địa phương quan tâm nhiều hơn đến PVTM.

Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác đấu tranh PVTM gắn chặt với hoạt động hội nhập, chống gian lận xuất xứ, bảo vệ lợi ích cho sản xuất trong nước, cần đến sự tham gia vào cuộc của các đơn vị, bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng yêu cầu:

Một: Cục PVTM chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi theo dõi diễn biến các xung đột và tranh chấp thương mại, từ đó cập nhật kịp thời và dự báo những vấn đề "nóng" liên quan đến PVTM để cảnh báo sớm cho doanh nghiệp.

Hai: Xây dựng kế hoạch tăng cường hợp tác với các đối tác tại các quốc gia, phòng tránh tranh chấp thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ba: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác PVTM. Bộ trưởng khẳng định Lãnh đạo Bộ sẽ tạo cơ hội tốt nhất để tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ PVTM.

Bốn: Tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

Năm: Thường xuyên tổ chức đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp, có sự tham dự của các Bộ ngành trong đó lồng ghép nội dung về PVTM.

Sáu: Cục PVTM chủ động nghiên cứu đề án 824, tập trung thực hiện và nêu rõ trách nhiệm phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện; cụ thể hóa cơ chế làm việc, phối hợp, thực thi nhiệm vụ cụ thể trong việc đấu tranh chống gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường xác định nhiệm vụ bảo vệ thị trường, đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại phải lồng ghép nội dung PVTM...

Thu Trang
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động