Đề nghị xem xét việc nhượng cổ phần Nhà máy nước sạch sông Đuống
Vụ đổ trộm dầu thải đầu nguồn nước sông Đà: Thêm một dòng suối bị “bức tử” Viwasupco xả thải nước xúc rửa đường ống không báo cáo Sự cố nước sạch sông Đà: Lãnh đạo Hà Nội xin rút kinh nghiệm |
Nước sạch là vấn đề an ninh quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực. Trước tình trạng thoái vốn nhà nước tại các công ty cung cấp nước sạch, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ lo lắng: "Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỉ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Tôi đề nghị Bộ trưởng Công Thương cũng như Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không nên thoái vốn hoặc nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị xem xét lại việc thoái vốn nhà nước tại các công ty nước sạch. |
Chung quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá, việc mua bán, sáp nhập trong kinh tế thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, đại biểu Nhân cũng đưa ra quan điểm, việc các doanh nghiệp lớn có vốn nhà nước được bán cho đối tác nước ngoài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế.
"Sabeco là một điển hình, dù nhà nước thu được khá nhiều tiền nhưng tái đầu tư lĩnh vực khác liệu có hiệu quả? Nếu không có tầm nhìn và chiến lược phù hợp thì sẽ tạo hậu quả khó lường cho nền kinh tế" - ông Nhân cảnh báo, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương cho biết giải pháp, tham mưu cho Chính phủ, có chính sách để điều tiết làm lành mạnh hoạt động này.
Lắng nghe và tiếp thu quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Những doanh nghiệp có thương hiệu lớn cần giữ cũng là ý đúng, rất cần tính đến".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đưa ra lý giải chung về tình hình cổ phần hóa tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cổ phần hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Điều này không chỉ nhằm thu nhỏ lại số lượng doanh nghiệp nhà nước mà còn tạo ra một thị trường, một thể chế và pháp luật thuận lợi hơn không chỉ cho doanh nghiệp tư nhân mà còn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp cận cơ hội của thị trường.
Mới đây, Công ty hội đồng quản trị WHA Utility and Power (Thái Lan) đã thống nhất thông qua công ty con là WHAUP (SG) 2DR Pte. Ltd ký kết hợp đồng mua bán cổ phần với ông Đỗ Tất Thắng, cổ đông của Nhà máy nước sạch sông Đuống. Ông Thắng đồng thời là một trong những nhà điều hành chính tại nhà máy nước sạch này. Theo đó, WHAUP (SG) 2DR sẽ mua lại gần 34 triệu cổ phiếu từ ông Thắng, tương đương 34% vốn điều lệ của Nhà máy nước sạch sông Đuống. Mức giá thỏa thuận giữa hai bên là khoảng 61.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền đại diện Thái Lan phải chi ra là hơn 2.073 tỉ đồng cho thương vụ. |