Đề xuất các chủ trương, định hướng mới để phát triển tỉnh Nghệ An

15/12/2022 10:50 Tăng trưởng xanh
Vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Tọa đàm khoa học định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tạp chí Công nghiệp môi trường xin giới thiệu toàn văn phát biểu khai mạc, định hướng của Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Toạ đàm "Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo tỉnh Nghệ An!

Thưa toàn thể các quý vị đại biểu tham dự tọa đàm!

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì xây dựng Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.

Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy Nghệ An và 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương để tiến hành tổng kết theo Kế hoạch số 85-KH/BKTTW, ngày 23/05/2022 của Ban Chỉ đạo; trong đó có tổ chức một số Hội thảo, Tọa đàm nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tọa đàm hôm nay với chủ đề "Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thường trực Ban Chỉ đạo và Tỉnh ủy Nghệ An chủ trì tổ chức là một nội dung quan trọng nằm trong Kế hoạch tổng kết của Ban Chỉ đạo. Đặc biệt là, tọa đàm được tổ chức tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ; lãnh đạo các Bộ, ngành; chuyên gia, nhà khoa học, trong đó nhiều đại diện những người con của quê hương Nghệ An... những người nắm sâu, hiểu rõ về vùng đất và con người Nghệ An, nơi được mệnh danh là “vùng đất địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng và tinh thần hiếu học, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng tiền bối, tướng lĩnh, danh nhân, chí sỹ đóng góp lớn trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trước hết, thay mặt Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi lời cảm ơn tới các quý vị đại biểu đã tới tham dự Tọa đàm. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và chúc cho buổi Tọa đàm của chúng ta thành công tốt đẹp!

Đề xuất các chủ trương, định hướng mới để phát triển tỉnh Nghệ An
Ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi toạ đàm

Thưa các đồng chí và toàn thể quý vị đại biểu!

Tỉnh Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam của cả nước, kết nối thuận lợi với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với hơn 16.486 km2 (trong đó, miền núi chiếm khoảng 83% tổng diện tích); bờ biển dài 82 km, đường biên giới 468,281 km. Dân số trên 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước (trong đó, dân số ở các huyện, thị miền núi phía Tây khoảng 1,2 triệu người; có hơn 491 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,6% dân số toàn tỉnh); có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 460 đơn vị hành chính cấp xã. Nghệ An có vị trí chiến lược quan trọng, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, với nhiều tiềm năng, lợi thế với biển, rừng, biên giới, hệ thống giao thông đa dạng, kết nối quốc tế và nhiều tài nguyên văn hóa và du lịch, quê hương của dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thưa các đồng chí và toàn thể quý vị đại biểu!

Để phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/07/2013 về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020” với mục tiêu “phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo” và kèm theo nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 26-NQ/TW; cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình, đề án. Sau gần 10 năm thực hiện, phát triển tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; lợi thế một số ngành, lĩnh vực, địa bàn được phát huy; đời sống văn hóa, vật chất của nhân dân từng bước được cải thiện, một số điểm nghẽn trong phát triển dần được khơi thông. Kinh tế tỉnh Nghệ An phát triển khá toàn diện, theo hướng ổn định, bền vững, cơ bản tạo ra những nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tới. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2014 - 2020 cao hơn mức tăng bình quân chung của toàn vùng và cả nước (đạt 6,91%/năm). Quy mô kinh tế được mở rộng[1]; GRDP bình quân đầu người năm 2020 gấp 1,8 lần so với năm 2013. Thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2013.

Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, năm 2020 gấp 2,6 lần năm 2013 với tỷ trọng khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI tăng dần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản; tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp[2]. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần công nghiệp khai khoáng; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, được quan tâm đầu tư, vai trò động lực trong thu hút đầu tư của Khu kinh tế Đông Nam dần được khẳng định. Nông nghiệp phát triển nhanh và khá ổn định, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới vào sản xuất chuyển biến tích cực; tỷ lệ xã đạt nông thôn mới cao hơn bình quân chung cả nước. Thương mại phát triển và chuyển đổi nhanh sang kinh doanh thương mại hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện; một số cơ sở du lịch chất lượng cao[3] được hình thành.

Không gian đô thị được mở rộng, Thành phố Vinh cùng với thị xã Cửa Lò đã từng bước đóng vai trò là cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây Nghệ An đạt được nhiều kết quả[4]; diện mạo vùng Tây Nghệ An có nhiều khởi sắc. Nền tảng văn hóa cơ sở được duy trì, bản sắc của Xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; giai đoạn 2014 - 2020, giải quyết việc làm cho 236,25 nghìn lao động trong tỉnh. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước. Y tế phát triển khá đồng đều ở các tuyến, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh được công nhận là bệnh viện tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ. Hoạt động khoa học và công nghệ có nhiều ứng dụng vào thực tiễn. Mức sống của dân cư được cải thiện[5], năm 2020 gấp gần 2 lần so với năm 2013. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực[6], an sinh xã hội được đảm bảo; công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm.Nguồn lực đất đai từng bước được khai thác hợp lý; chất lượng môi trường được nâng lên; hạ tầng về thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố; các chủ trương của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nghiêm túc thực hiện.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế; mục tiêu “xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020” theo định hướng chưa đạt được, nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt mức thấp so với Nghị quyết 26-NQ/TW đề ra.

Tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm và dễ bị tác động bởi các cú sốc, các tác động tiêu cực từ bên ngoài; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng chưa đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm so với chuyển dịch chung của vùng và cả nước, trong đó khu vực dịch vụ có xu hướng giảm.

Đổi mới mô hình tăng trưởng thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Tăng trưởng công nghiệp chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp còn chậm, chưa thu hút được các dự án quy mô lớn; sản xuất nông nghiệp chưa thật sự bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế, phát triển vùng nguyên liệu[7] còn chậm. Tiềm năng sức mua trong tỉnh chưa được khai thác tương xứng; du lịch phát triển chưa đột phá. Chất lượng tăng trưởng chủ yếu dựa vào thâm dụng vốn (vốn chiếm 49,15% trong GRDP). Năng suất lao động thấp, chỉ bằng 0,74 lần NSLĐ toàn vùng và bằng 0,5 lần của cả nước năm 2020.

Hiệu quả sử dụng vốn còn thấp, thể hiện ở hệ số ICOR của tỉnh còn cao hơn so với bình quân chung của vùng (6,90) và của cả nước (5,26)[8]. Doanh nghiệp phát triển chậm, quy mô còn nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao [9]. Công tác quy hoạch còn bất cập, chồng chéo, thiếu tính hệ thống. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu (cảng biển, sân bay) và hạ tầng khu vực miền Tây. Tốc độ đô thị hóa chậm, nâng cấp một số đô thị chậm hoàn thành[10]; tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn nhiều so với bình quân vùng và cả nước[11] (đạt 21,95% năm 2020). Nhiệm vụ đầu tư xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ[12] chưa hoàn thành. Liên kết, phát triển vùng Nam Thanhh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng các hoạt động văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa. Thị trường lao động phát triển chậm, lao động chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chất lượng việc làm chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn so với cả nước, của vùng[13]. Khoảng cách giàu nghèo, về thu nhập và mức sống của các tầng lớp dân cư còn lớn. Thực hiện công tác giảm nghèo còn khó khăn, quy mô hộ nghèo đa chiều lớn[14], tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cao nhất trên địa bàn cả nước[15]. Hạ tầng một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã xuống cấp; chất lượng nguồn nhân lực y tế còn hạn chế[16].

Cơ cấu đầu tư cho giáo dục đào tạo chưa hợp lý, đầu tư cho các bậc học chưa đồng đều giữa các địa bàn; chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Khoa học công nghệ & đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển; tỷ lệ đầu tư thấp hơn so với vùng và toàn quốc[17]. Quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất công chưa xử lý kịp thời. Khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy chưa đồng bộ; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để[18]; ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập. Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh ở một số địa bàn còn có điểm chưa chặt chẽ. Tổ chức bộ máy hành chính chưa thực sự tinh giản, gọn nhẹ.

Thưa các đồng chí và toàn thể quý vị đại biểu!

Để có những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện, nhiều chiều, Tọa đàm "Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 " hôm nay nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 26- NQ/TW và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong tổng thể vùng, góp phần đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 03/11/2022 vào cuộc sống. Tọa đàm cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học nhìn lại chặng đường phát triển tỉnh Nghệ An những năm qua, chia sẻ các kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và các kết quả nghiên cứu để đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò của tỉnh với vùng và cả nước.

Phạm vi Tọa đàm khá rộng, đề cập tới nhiều vấn đề về định hướng phát triển tỉnh Nghệ An trong tương lai khá dài (đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045), liên quan đến nhiều cơ chế chính sách của các Bộ ngành; trong khi đó thời gian Tọa đàm chỉ diễn ra trong ½ ngày. Để Tọa đàm có chất lượng, đảm bảo thời gian, Tôi đề nghị các đồng chí và quý vị đại biểu tham dự Tọa đàm, bên cạnh việc tham gia ý kiến đối với những nội dung cụ thể trong dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, thì cần tập trung thảo luận sâu vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, làm sâu sắc hơn tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW từ công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt đến ban hành các cơ chế, chính sách, bổ sung nguồn lực và phối hợp triển khai của các Bộ ngành, đặc biệt là cấp ủy và chính quyền các cấp tại Nghệ An. Trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm quý cho công tác ban hành Nghị quyết cho địa phương và trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng với các địa phương.

Thứ hai, làm nổi bật hơn các kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong 10 năm qua, những thành tựu nổi bật; những nguồn lực, tiềm năng còn chưa được khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả và khả năng hấp thụ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; những tồn tại hạn chế và các nguyên nhân. Từ đó đề xuất các chủ trương, định hướng lớn, tạo căn cứ chính trị để các Bộ, ngành và các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Thứ ba, định vị lại vai trò của tỉnh Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong tổng thể quốc gia; dự báo về bối cảnh mới trong nước, quốc tế, những tác động tích cực, tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, nhất là tác động của các xu thế kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... và các thách thức mới xuất hiện. Trên cơ sỏ đó đề xuất được, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong mối liên hệ chặt chẽ với các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ và thực hiện tốt mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ như Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đề ra[19].

Thứ tư, thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ các điểm “nghẽn” về cơ chế, chính sách và công tác phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong triển khai, thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất được định hướng lớn về chiến lược và quy hoạch phát triển tỉnh, nhất là quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển các vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất và ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ, cách mạng 4.0 vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Thứ năm, đánh giá về phát triển từng lĩnh vực, địa bàn trong tỉnh, tìm ra các điểm đặc thù, các lợi thế cần được khai thác; gợi mở các mô hình tốt, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất các chương trình, kế hoạch, dự án, công trình cho từng địa bàn, lĩnh vực để thu hút, dẫn dắt các nguồn lực và tạo ra động lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương; nhân rộng mô hình mới, cách làm sáng tạo hiệu quả để nhân rộng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thưa các đồng chí và toàn thể quý vị đại biểu!

Để Tọa đàm mang lại hiệu quả thiết thực, Tôi đề nghị các vị đại biểu phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực giúp Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu với Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng phù hợp nhằm phát triển nhanh và bền vững tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Chúc các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc!

Chúc Tọa đàm thành công tốt đẹp!

[1] năm 2020 gấp 2 lần năm 2013 và chiếm 12,5% quy mô GRDP của vùng; 1,8% quy mô GDP của toàn nền kinh tế

[2] Tỷ trọng khu vực NLTS trong GRDP của tỉnh năm 2020 chiếm 24,62%, giảm 1,86 điểm phần trăm so với năm 2013; khu vực CN- XD tiếp tục phát triển, là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế với tỷ trọng trong GRDP là 27,35%, tăng 3,2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 42,99%, giảm 2,56 điểm phần trăm

[3] Như Vinpearl Cửa Hội, khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm...

[4] Đóng góp của giá trị tăng thêm vào GRDP của tỉnh khoảng 26-28%;

[5] Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 của tỉnh Nghệ An đạt 3 triệu đồng;

[6] Năm 2020, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh Nghệ An là 10,9%, giảm 6,8 điểm phần trăm so với năm 2016 (17,7%)

[7] mía, chè, dứa, sắn, cao su, bò sữa,...

[8] ICOR của tỉnh luôn cao hơn so với bình quân chung của vùng và của cả nước, giai đoạn 2001-2005 đạt 6,83; giai đoạn 2006-2010 đạt 8,72; giai đoạn 2011-2015 đạt 7,28; giai đoạn 2016-2019 đạt 7,26. Trong khi đó, mức của vùng tương ứng là 6,80; 6,88; 7,0; 6,49 và mức chung của cả nước tương ứng là 5,27; 6,11; 5,10; 5,25. Năm 2020, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát, khống chế sự lây lan của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc thực hiện các dự án đầu tư công, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của vùng BTBDHTB và của cả nước, đây cũng là năm mà hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của tỉnh giảm so với các năm trước, tuy nhiên so với vùng và cả nước, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của tỉnh trong năm này lại cao hơn. Hệ số ICOR trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 11,21, chỉ bằng 11,9% hệ số ICOR của vùng (94,13) và bằng 49,3% của cả nước (12,73). Bình quân giai đoạn 2014-2020, hệ số ICOR tỉnh Nghệ An đạt 7,67, thấp hơn bình quân vùng (19,36) và cao hơn cả nước (6,32).

[9] Chiếm tới 97,03% số lượng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn điều lệ >100 tỷ chỉ chiếm 1,98%; doanh hoạt động chỉ chiếm khoảng 56,48% số lượng doanh nghiệp đăng ký; trong đó, có khoảng 42% tổng số doanh nghiệp nộp thuế thu nhập và khoảng 1,62% số doanh nghiệp nộp thuế trên 1 tỷ đồng.

[10] Như Đô thị Đô Lương, Đô thị Con Cuông, Đô thị Phủ Diễn

[11] Bình quân cả nước năm 2021 là 40,5%, vùng năm 2021 là 37,5% (BC phát triển đô thị của tỉnh năm 2021)

[12] Về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học- công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục- đào tạo

[13] tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 20,8%; thấp hơn trung bình cả nước (24,1%) và thấp hơn mức bình quân chung của vùng (22,7%)

[14] năm 2021, toàn tỉnh có 78.130 hộ nghèo và hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020

[15] Đến 2019, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS chiếm 29,2% (34.585 hộ/118.593 hộ) cao hơn so với tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn quốc là 22,2%

[16] Tỷ lệ xã có bác sĩ mới đạt 75,2% xã có bác sỹ bền vững, đang thiếu 105 bác sỹ để đạt 100% xã có bác sỹ bền vững làm việc.

[17] Năm 2021 là 42.490 tỷ đồng đạt khoảng 0,16% chi ngân sách địa phương (cả nước 0,44%).

[18]còn 10/42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý, 56% số cụm công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

[19] Mục tiêu đến 2030: “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường”.

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động