Đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

28/12/2022 08:07 Nghiên cứu, trao đổi
Hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc sử dụng túi nylon, các sản phẩm nhựa trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng khá phổ biến, với tiện ích đem lại, các sản phẩm từ nhựa và nylon đã trở thành những vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người ở nhiều quốc gia.

Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại” do Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thực hiện từ 01/2020 đến tháng 12/2022 đã đạt được các yêu cầu về nội dung, chất lượng, tiến độ và mục tiêu nghiên cứu đề ra.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018, mỗi phút thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 500 tỷ túi nylon được sử dụng. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Nhưng việc lạm dụng túi nylon trong cuộc sống thường nhật của người dân toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe con người, đến môi trường và hệ sinh thái... cản trở mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế và các nước đặt ra.

Cùng với việc sử dụng, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Đến nay, có khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Theo nghiên cứu khoa học, nếu đem tiêu hủy, nhựa từ nylon có khả năng gây ô nhiễm không khí dẫn đến nhiều bệnh về đường hô hấp. Còn nếu thải ra môi trường, một chiếc túi nylon phải mất 500-1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn. Đặc biệt, chất thải nhựa nylon nếu ở ngoài môi trường khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất độc hại, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nylon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Tại các đô thị, lượng túi nylon được tiêu thụ khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Ở các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ truyền thống…, túi nylon vẫn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu cho công năng bao gói, chứa đựng hàng hóa.

Lý giải về những nguyên nhân khiến cho việc sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn còn phổ biến và chưa có giải pháp, kế hoạch cụ thể giảm thiểu, tiến tới loại bỏ việc sử dụng, phát thải các chất thải nhựa trước hết là trong hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại phổ biến hiện nay như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, thay vào đó là sử dụng bao bì dễ phân hủy, sản phẩm thân thiện với môi trường. Những nguyên nhân, hạn chế chủ yếu xuất phát từ nhận thức về tác hại do rác thải nhựa của các đối tượng tham gia hệ thống phân phối là các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền chưa được tổ chức một cách thường xuyên và hiệu quả chưa cao; chưa hình thành hệ thống phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường; việc thực thi các giải pháp, chính sách nhằm giảm thiểu, loại bỏ sử dụng, phát thải túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần và cũng như các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa sử dụng bao bì thân thiện với môi trường trong hệ thống phân phối bán lẻ còn thiếu và nhiều khoảng trống...

Để thực hiện những mục tiêu, định hướng về giảm thiểu, loại bỏ túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cần thiết phải nghiên cứu tìm ra các giải pháp, xây dựng chính sách áp dụng rộng rãi từ khâu sản xuất, phân phối cho tới hoạt động tiêu dùng trong hệ thống phân phối bán lẻ, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới.

Do đó, ngày 15/7/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương, trong đó trước hết cần đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; xây dựng kế hoạch mục tiêu “Đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.

Với những lý do trên, Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại” tập trung giải quyết một số nội dung chính như sau:

(1) Cơ sở lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong việc giảm thiểu, loại bỏ sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần;

(2) Đánh giá thực trạng chính sách về giảm thiểu, loại bỏ sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm sử dụng nhựa sử dụng một lần ở nước ta;

(3) Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại ở nước ta;

(4) Quan điểm, định hướng và đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ở nước ta trong thời gian tới.

Để hình thành khung lý luận, bên cạnh làm rõ, phân loại các loại túi nylon, đồ nhựa dùng một lần, Đề tài đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới trong việc giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các hệ thống phân phối. Kinh nghiệm thu được từ các quốc gia bao gồm cả thành công và thất bại, gồm có các nước thành công trong việc thoả thuận tự nguyện giảm thiểu túi nylon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần như Áo, Hàn Quốc; các nước thành công trong việc đánh thuế và thu phí sử dụng túi nhựa như Ireland, Nhật Bản; các nước thành công trong việc thực hiện lệnh cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nylông khó phân huỷ gồm Antigua và Barbuda, Australia, Hoa Kỳ; các nước thất bại trong việc thực hiện lệnh cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân huỷ như Rwanda, Nam Phi, Bangladesh và các nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan.

Đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tình hình sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong hệ thống phân phối bán lẻ gồm chợ, siêu thị và trung tâm thương mại ở nước ta giai đoạn hiện nay. Đối tượng khảo sát là người tiêu dùng, doanh nghiệp và hộ kinh doanh, cơ quan và tổ chức quản lý ở 6 tỉnh thành trên cả nước bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Đăk Lăk. Qua khảo sát có thể thấy một số nét thực trạng sau:

- Về số lượng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần bị thải bỏ, do giá thành của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần hiện vẫn còn thấp so với mức sẵn lòng chi trả của người tiêu dùng, nên lượng chất thải nhựa vẫn phát sinh nhiều. Theo kết quả khảo sát, có đến 26% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ thải bỏ dưới 3 món mỗi tuần, và chỉ có 7% người cho biết họ không thải bỏ đồ nhựa dùng 1 lần. Số lượng các đồ nhựa dùng 1 lần thải bỏ bởi người tiêu dùng được trình bày cụ thể trong biểu đồ dưới đây.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

Biểu đồ 1. Số lượng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần bị thải bỏ

- Về mức độ sẵn sàng chi trả cho các giải pháp thay thế túi nylon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần, kết quả khảo sát cho thấy có đến 67% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ sẵn sàng chi trả cho các giải pháp thân thiện môi trường thay thế cho túi nylon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần, trong đó chỉ có 8% là đã thực hiện thay thế. Còn lại 34% người tiêu dùng cảm thấy điều kiện kinh tế còn khó khăn nên sẽ không sẵn sàng chi trả được, bởi các giải pháp thay thế hiện nay giá thành vẫn còn cao hơn nhiều so với đồ nhựa dùng 1 lần giá rẻ, lại được phát miễn phí.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

Biểu đồ 2. Mức độ sẵn sàng chi trả cho các giải pháp thay thế túi nylon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần

- Về tình hình tiêu thụ túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, Kết quả khảo sát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn 6 tỉnh thành là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh cho thấy có đến 41% đơn vị được hỏi cho biết nguồn nhập hàng túi nylon và nhựa dùng 1 lần là từ đơn vị phân phối mang đến. Chi tiết về nguồn và tần suất nhập hàng túi nylon và nhựa dùng 1 lần được thể hiện trong biểu đồ sau.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

Biểu đồ 3. Tần suất nhập hàng túi ni-lông và nhựa dùng 1 lần của các hộ kinh doanh

Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu tất cả các loại sản phẩm nhựa dùng 1 lần của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có xu hướng tăng trong thời gian tới với tỷ lệ lựa chọn khá cao, chi tiết trong biểu đồ sau:

Đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
Biểu đồ 4. Nhu cầu sử dụng túi ni-lông trong thời gian tới

Dựa trên thực trạng sử dụng, thải bỏ túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại chợ, siêu thị và trung tâm thương mại và bài học kinh nghiệm, những vấn đề cấp bách cần giải quyết trong thời gian tới, bao gồm:

Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cho các đối tượng là người tiêu dùng, nhà bán lẻ, nhà sản xuất về tác hại của túi nylon đối với nền kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng, cũng như có những định hướng trong vấn đề sản xuất và sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Thứ hai, xây dựng và triển khai các chính sách, biện pháp quản lý tổng hợp, thực hiện song hành nhiều giải pháp cụ thể, từ hướng dẫn và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là tại các chợ, trung tâm thương mại hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy và thay thế bằng các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Thứ ba, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải túi nylon khó phân hủy, đồ nhựa sử dụng một lần thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Thứ tư, tìm kiếm sự hợp tác quốc tế và áp dụng các mô hình tiên tiến về quản lý chất thải nhựa nói chung và tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại nói riêng. Bổ sung thêm nguồn kinh phí và khuyến khích xã hội hóa công tác phân loại tại nguồn, tái chế chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy.

Thứ năm, xây dựng lộ trình các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể cần thực hiện nhằm hạn chế sử dụng, phát thải túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đồng thời thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên (như vật liệu gỗ, mây, tre…).

Thứ sáu, đẩy mạnh thực thi công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu và phân phối và sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đặc biệt tại các cơ sở bán lẻ như chợ, trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn cả nước.

Trên cơ sở khung lý luận và thực tiễn như trên, đề tài đề xuất hệ thống một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật và cơ chế, chính sách của nhà nước đối với hoạt động sản xuất;

Thứ hai, tăng cường quản lý đối với các hoạt động phát thải, thu gom, xử lý túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại;

Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận, chuyển đổi công nghệ về quản lý sản xuất, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần;

Thứ tư, khuyến khích, hỗ trợ thương nhân, hộ kinh doanh tại các cơ sở hạ tầng thương mại nhằm từng bước giảm thiểu tiến tới loại bỏ sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần và thay thế bằng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường;

Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản xuất các sản phẩm túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần;

Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đến cộng đồng và người dân về tác hại của túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người.

Không thể phủ nhận vai trò của túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc sống hiện đại, nhưng đã đến lúc cần phải nhìn lại việc tiêu thụ và thải bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân huỷ bởi chúng đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến các sinh vật, môi trường, cảnh quan và sức khoẻ con người. Đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại" được thực hiện nhằm góp phần vào nỗ lực chống rác thải nhựa của Việt Nam.

Đề tài chỉ ra các vấn đề lý luận và thực tiễn giúp Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý tại các địa phương có những giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu, tiến tới loại bỏ túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thay thế bằng các sản phẩm khác dễ phân hủy, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng tại các cơ sở kinh doanh thương mại. Không những thế, kết quả nghiên cứu của đề tài còn giúp cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, các hộ kinh doanh cá thể phân phối bán lẻ hàng hóa, người tiêu dùng tham gia các hoạt động kinh doanh tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước có thể xem xét vận dụng, chuyển đổi phương thức kinh doanh, thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới loại bỏ túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thay thế bằng các sản phẩm khác dễ phân hủy, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong thời gian tới./.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khiêm - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động