Đề xuất nghỉ lễ vào ngày gia đình Việt Nam
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 23/10, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số đại biểu Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc một ngày khác.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án "không bổ sung ngày nghỉ lễ" hoặc "bổ sung một ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và chọn ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6 dương lịch)".
Đại biểu Trần Văn Tiến (Phó đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc). Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Đại biểu Trần Văn Tiến (Phó đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc) đồng tình phải có thêm ngày nghỉ cho người lao động. Ông nói, nên nghỉ thêm 2 ngày gồm ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9 và ngày 28/6.
Theo vị đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 5/9 có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh. "Nhiều cháu thiệt thòi và tủi thân vì không được bố mẹ đưa đi khai giảng. Nếu không được nghỉ hai ngày mà phải lựa chọn một thì tôi chọn nghỉ ngày toàn dân đưa trẻ đến trường", ông nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cũng đồng ý bổ sung thêm một ngày nghỉ, nhưng cho rằng nên nghỉ ngày 28/6, ngày Gia đình Việt Nam để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái.
Đồng tình tăng thêm một ngày nghỉ nhưng đại biểu Mai Sỹ Diến (Phó đoàn Thanh Hoá) cho rằng nên nghỉ vào dịp Tết dương lịch để kỳ nghỉ này có 2 ngày, thay vì 1 ngày như hiện nay.
"Tết dương lịch là thời gian kết thúc một năm làm việc mệt nhọc, tăng thêm 1 ngày là hợp xu thế và là điểm ưu việt để người lao động có thể thăm hỏi người thân, đi du lịch", ông nói.
Trước ý kiến khác nhau về lựa chọn thời điểm nghỉ, ông Diến đề nghị để hai phương án, có thể nghỉ vào dịp Tết dương lịch hoặc ngày Gia đình Việt Nam để Quốc hội lựa chọn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương) mong Quốc hội thông qua ngày nghỉ Gia đình Việt Nam. Ông phân tích, gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm hạnh phúc, bình yên, là nơi trở về của mỗi người những lúc buồn vui, thành công hay thất bại. Gia đình hạnh phúc thì đất nước mới hạnh phúc. Hơn nữa, sống trong xã hội hiện đại, cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn nhưng cũng đầy cạm bẫy. Tổ ấm gia đình đang bị lung lay bởi những tác động trực tiếp, gián tiếp. Vì vậy, có thêm ngày nghỉ để các thành viên trở về, sum họp là rất cần thiết.
"Chúng ta đã có ngày nghỉ 10/3 là giỗ tổ - dành cho tổ tiên, nghỉ ngày quốc khánh 2/9 - dành cho đất nước, nếu có ngày nghỉ 28/6 - dành cho gia đình, cho tổ ấm thì rất hợp lý và tiến bộ", vị đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nói.
Dự thảo Bộ Luật Lao động trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đề xuất có thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hằng năm. Tuy nhiên, đề xuất này không được đại biểu đồng tình khi thảo luận tại Hội trường. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban Soạn thảo dự án Bộ luật đã xin rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ và đề nghị "Giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ".
Mặc dù vậy, quá trình lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.