Đề xuất Quy chế ứng phó sự cố môi trường

13/03/2019 16:15 Tăng trưởng xanh
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quy chế ứng phó sự cố môi trường quy định ứng phó sự cố môi trường do chất thải gây ra (sự cố môi trường), bao gồm ứng phó sự cố môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường, các cơ chế hỗ trợ ứng phó, cải tạo, phục hồi môi trường.

Theo đó, việc ứng phó sự cố môi trường cần đảm bảo nguyên tắc: Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố môi trường; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố môi trường kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường; chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.

Đề xuất Quy chế ứng phó sự cố môi trường

Hình minh họa

Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố môi trường gây ra theo quy định của pháp luật.
Phân loại sự cố môi trường
Theo dự thảo, sự cố môi trường được phân loại theo 4 mức như sau:
1. Sự cố môi trường mức độ rủi ro thấp: Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở) và trong khả năng tự ứng phó của cơ sở; sự cố môi trường không thuộc trường hợp trên, xảy ra trong địa giới hành chính cấp huyện và trong khả năng tự ứng phó của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.
2. Sự cố môi trường mức độ rủi ro trung bình là sự cố môi trường xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh vượt quá khả năng tự ứng phó của cơ sở và phạm vi ảnh hưởng của sự cố môi trường nằm trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Sự cố môi trường mức độ rủi ro cao là sự cố môi trường xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh vượt quá khả năng tự ứng phó của cơ sở và phạm vi ảnh hưởng của sự cố môi trường thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
4. Sự cố môi trường mức độ thảm họa là sự cố có mức độ rủi ro cao, đặc biệt và ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao và tính mạng của người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia về sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Xử lý sự cố môi trường tại cơ sở
Người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người đứng đầu cơ sở trong trường hợp không xác định được người đại diện theo pháp luật là người chỉ huy ứng phó sự cố môi trường mức độ rủi ro thấp.
Chỉ huy ứng phó sự cố môi trường mức độ rủi ro thấp tại cơ sở phải kích hoạt kịch bản ứng phó tương ứng với sự cố môi trường, đánh giá khả năng tự ứng phó của cơ sở, quyết định kích hoạt các kịch bản ứng phó sự cố căn cứ theo mức độ rủi ro của từng sự cố và có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp sau: Trường hợp sự cố trong khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy ứng phó có trách nhiệm đại diện cho cơ sở thông báo về sự cố, thiệt hại do sự cố và các biện pháp khắc phục sự cố đã được thực hiện lên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trường hợp sự cố vượt ngoài khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy ứng phó của cơ sở phải thông báo ngay đến Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo đầu số 112 để đề nghị hỗ trợ ứng phó. Người chỉ huy ứng phó sự cố phải bàn giao quyền chỉ huy cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và có trách nhiệm phối hợp và chỉ đạo Đội ứng phó sự cố của cơ sở thực hiện theo các chỉ đạo của Ban chỉ huy.

 Mai Linh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động