Đề xuất sử dụng hình ảnh người dân cung cấp để phạt vi phạm giao thông
Trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, số lượng phương tiện giao thông đường bộ tăng mạnh theo từng năm, hành vi vi phạm các quy định về giao thông đường bộ diễn ra phổ biến trong khi biên chế của các lực lượng chức năng phải giảm theo yêu cầu chung, kinh phí trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật còn hạn hẹp, còn thiếu.
Trong khi đó, việc áp dụng công nghệ thông tin cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý vi phạm hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trước những hiện tượng vi phạm diễn ra công khai, gây mất an toàn giao thông, uy hiếp trực tiếp đến sự an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông, người dân đã ghi lại những hình ảnh vi phạm của người điều khiển phương tiện gửi các lực lượng chức năng.
Người dân ghi hình vi phạm giao thông (Ảnh minh hoạ). |
“Căn cứ hình ảnh của người dân cung cấp, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Qua đó, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong việc lên án các hành vi vi phạm, góp phần ngăn chặn, giảm bớt những hành vi vi phạm nghiêm trọng”- Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Tuy nhiên, hiện nay, việc quy định sử dụng các hình ảnh do cá nhân, tổ chức cung cấp chưa được thể hiện cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, để huy động được cá nhân, tổ chức phát huy trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần thiết phải bổ sung các quy định liên quan đến nội dung này.
Tăng nặng mức phạt với tài xế sử dụng rượu bia
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020; trong đó cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Hơn nữa, trong thời gian vừa qua, tình hình tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện trong máu có nồng độ cồn còn xảy ra phổ biến.
Vì vậy, cần thiết phải xem xét, điều chỉnh mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện mà vi phạm quy định về nồng độ cồn trong đó bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Từ những phân tích, so sánh tác động của từng giải pháp, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng giải pháp tối ưu là sửa đổi mức xử phạt đối với vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Theo đó mức phạt tiền hành vi vi phạm mức 1 đối với người điều khiển ô tô là 6-8 triệu đồng và mức phạt cao nhất đối với vi phạm của hành vi này là 30-40 triệu đồng.
Điều chỉnh mức phạt vi phạm trên đường cao tốc Bộ Giao thông Vận tải phản ánh, viphạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp, hiện tượng lùi xe, đỗ xe trên đường cao tốc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng, đã có những trường hợp gây tai nạn giao thông phải chuyển xử lý hình sự tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội. Hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc diễn ra phổ biến hơn; các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải đường bộ trên đường cao tốc như dừng, đón trả khách; nhận và trả hàng trên đường cao tốc có chiều hướng gia tăng vừa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Thống kê, phân tích của Bộ Công an cũng cho thấy từ năm 2016 đến nay, nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu là do lỗi của người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông gây ra (chiếm 95,81%). Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định liên quan đến đường cao tốc; các hành vi, nhóm hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Bộ này đề xuất điều chỉnh mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm quy định liên quan đến đường cao tốc; các nhóm hành vi vi phạm quy tắc là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. |