Định hướng chính sách phát triển thị trường phế liệu và sản phẩm tái chế

20/06/2021 00:00 Chính sách - Pháp luật
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp lý quy định về quản lý chất thải nói chung và phế liệu nói riêng đã tương đối đầy đủ và đang tiếp tục được hoàn thiện. Trong đó, các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường trong hoạt động tái chế chất thải đã được áp dụng và thực thi hiệu quả. Tuy nhiên, quan điểm về quản lý phế liệu chưa rõ ràng và tiếp cận theo hướng như đối với quản lý chất thải nên việc đầu tư các dự án liên quan đến hoạt động tái chế phế liệu gặp rất nhiều khó khăn, chưa thu hút được các nhà đầu tư quy mô lớn. Chính vì vậy trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp tái chế và các doanh nghiệp xử lý, tái chế chất thải, phế liệu vẫn còn hoạt động manh mún, chủ yếu vẫn ở dạng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình tại các làng nghề là chủ yếu, doanh nghiệp tái chế quy mô lớn còn rất hạn chế.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì “Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”.

Ở nước ta, nhu cầu tái chế và sử dụng nguyên liệu tái chế vào sản xuất là rất lớn, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp, chỉ tính riêng ngành giấy, có đến 70% nguyên liệu cho ngành là từ nguồn giấy tái chế trong khi tỷ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng là rất thấp (khoảng 25 - 30%), với ngành nhựa (hầu hết nguyên liệu cho sản xuất là nhập khẩu), nếu làm tốt công tác tái chế nhựa để đáp ứng một phần nguyên liệu cho sản xuất thì hàng năm nước ta tiết kiệm được hàng trăm triệu đô la. Ngoài ra, theo quy định về bảo vệ môi trường, một số loại sản phẩm thải bỏ như đồ điện tử, pin, ắc quy, săm lốp ô tô... đều phải được thu hồi và xử lý (theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Mặc dù lĩnh vực tái chế chất thải tại Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhưng thực tế hiện nay, Việt Nam chưa thực sự hình thành ngành công nghiệp tái chế, một phần nguyên nhân được chỉ ra như: Thiếu các thể chế, chính sách riêng cho lĩnh vực tái chế chất thải; thiếu các quy định về vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc quản lý hoạt động tái chế chất thải; các quy hoạch về quản lý chất thải rắn mới chỉ quan tâm đến tái chế chất thải sinh hoạt mà chưa đề cập nhiều đến hoạt động tái chế chất thải công nghiệp; nhiều cơ sở tái chế phát triển một cách tự phát (do không có quy hoạch phát triển); thiếu định hướng của Nhà nước về công nghệ tái chế, khuyến khích đầu tư... Những hạn chế trên đã khiến hoạt động tái chế chất thải của Việt Nam chưa tận dụng được hết các nguồn tài nguyên trong chất thải phát sinh trong nước, đặc biệt là chất thải điện tử, ắc quy thải, tro xỉ thải... Bên cạnh đó, việc xử lý, tái chế chất thải manh mún, thủ công cũng đang gây áp lực lớn cho môi trường, đặc biệt là tại các làng nghề tái chế chất thải.

Một trong những bất cập, khó khăn, rào cản chính của sự phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải, phế liệu đó là thiếu các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn phân biệt rõ ràng giữa phế liệu với chất thải nên phế liệu được quản lý như một loại chất thải, không phải là một loại vật chất có giá trị sử dụng, dẫn đến các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm từ các loại phế liệu được quan tâm quản lý như đối với dự án xử lý, tái chế chất thải. Điều này rất khó thu hút các nhà đầu tư bởi thủ tục xin cấp phép đối với dự án xử lý chất thải rất phức tạp và chặt chẽ. Trên thực tế, đa số các loại phế liệu có giá trị tái chế và nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nhưng nó vẫn đang được coi là chất thải nguy hại và được quản lý, xử lý theo quy định pháp luật về chất thải nguy hại (như các vật dụng, linh kiện điện tử, nhựa thải bỏ; tro xỉ trong ngành luyện thép, nhiệt điện, phân bón, hóa chất...), dẫn đến các đơn vị thải bỏ chất thải, phế liệu tốn kém nguồn lực tài chính để xử lý đáp ứng các quy định về quản lý chất thải nguy hại, còn các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận phế liệu làm nguyên liệu sản xuất lại không tiếp cận được nguồn nguyên liệu này, gây lãng phí tài nguyên.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về tài chính, kinh tế cho các doanh nghiệp tái chế chưa rõ ràng, khó áp dụng trong thực tế. Chính sách, công cụ hỗ trợ về chứng nhận, tiêu dùng, sử dụng sản phẩm tái chế còn thiếu và yếu. Do vậy, kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động tái chế chưa phát triển, người tiêu dùng còn chưa thực sự quan tâm đến sản phẩm tái chế.

Từ thực trạng nêu trên, cần thiết phải thay đổi quan điểm và thống nhất quản lý Nhà nước đối với phế liệu và tái chế chất thải, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ trên quan điểm coi ngành tái chế chất thải là một ngành công nghiệp chế biến khép kín từ nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất, sản phẩm đầu ra. Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, kết nối thương mại, tạo môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào (phế liệu) và các doanh nghiệp tái chế chất thải, đồng thời có chính sách hỗ trợ tiêu dùng, mở rộng thị trường cho sản phẩm đầu ra (sản phẩm tái chế). Để triển khai được các nội dung trên, cần thiết phải hình thành một thị trường phế liệu và sản phẩm tái chế với các cơ chế, chính sách quản lý, ưu đãi, hỗ trợ, kết nối cung - cầu giữa các nguồn nguyên liệu sản xuất là phế liệu với các doanh nghiệp xử lý, tái chế chất thải và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp tái chế.

Để phát triển thị trường phế liệu và sản phẩm tái chế, cần tập trung tổ chức một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tái chế chất thải, phế liệu: Các quy định về phân loại chất thải và quản lý phế liệu; Phát triển thị trường phế liệu trong nước, phân khúc thị trường hàng hóa là sản phẩm tái chế, khuyến khích tiêu dùng, sử dụng sản phẩm tái chế; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động tái chế chất thải; Quy định về chứng nhận hàng hóa, sản phẩm từ hoạt động tái chế.

Hai là, xay dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hàng hóa là phế liệu và sản phẩm tái chế: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của các ngành công nghiệp và làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm từ hoạt động tái chế; Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại, lưu giữ các loại chất thải có khả năng tái chế đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp tái chế: Thông tin, dữ liệu về nguồn phế liệu công nghiệp, tái chế chất thải và sản phẩm tái chế; Công nghệ tái chế chất thải; Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải; Các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa là sản phẩm tái chế; Dữ liệu về các loại phế liệu xuất nhập khẩu…

Bốn là, xây dựng và phát triển thị trường hàng hoá phế liệu: Phát triển hệ thống thu gom phế liệu công nghiệp đảm bảo nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp tái chế; Tổ chức các chương trình hội trợ, quảng cáo, truyền thông, kết nối cung - cầu về công nghệ, nguyên liệu và sản phẩm tái chế; Xây dựng, vận hành website thương mại điện tử cho các loại hàng hóa trong lĩnh vực tái chế chất thải (công nghệ, nguyên liệu, sản phẩm); Xây dựng danh mục sản phẩm tái chế được ưu tiên sử dụng trong các dự án đầu tư, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Năm là, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn: Tăng cường tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên, kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế, tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư làm động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn.

ThS. Trịnh Văn Thuận, ThS. Đinh Văn Tôn

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động