Định hướng trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045

17/07/2023 13:42 Địa phương
Một trong các định hướng chính là hình thành 3 hành lang phát triển, bố trí 12 KCN tập trung, tạo lập cảnh quan sinh thái tự nhiên gắn với bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử.

Theo định hướng của đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, đô thị Bắc Ninh là trọng tâm kinh tế thuộc vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch và kinh tế tri thức, phát triển kinh tế đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với mục tiêu trước mắt, xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để tỉnh lập chương trình phát triển đô thị; xây dựng chính sách và triển khai tiếp công tác đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Định hướng trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045
Theo định hướng của đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, đô thị Bắc Ninh là trọng tâm kinh tế thuộc vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch và kinh tế tri thức...

Về mô hình cấu trúc, định hướng đô thị Bắc Ninh phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm, gắn với vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, bao gồm 7 trọng tâm phát triển đô thị gắn với mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch; lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư. Để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán (TOD), được giới hạn bởi các “nêm xanh” (là các mặt nước sinh thái, công viên, làng xóm, bảo tồn di tích văn hóa lịch sử) và 3 hành lang phát triển gồm: Hành lang đô thị-dịch vụ dọc QL 1A (Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh). Dọc hành lang sẽ phát triển tập trung theo 3 khu vực đô thị hiện hữu là Bắc Ninh, Tiên Du, Từ Sơn, được giới hạn phát triển bởi các nêm xanh. Hành lang đô thị - công nghiệp dọc QL 18 (Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ), phát triển các khu vực đô thị gắn với các KCN tập trung và hoàn thiện hạ tầng dịch vụ. Với hành lang sinh thái dọc sông Đuống, sông Cầu, bố trí các công trình dịch vụ công cộng, dịch vụ sinh thái, vui chơi giải trí, thể dục thể thao và hạ tầng xã hội, đô thị với mật độ thấp, ưu tiên phát triển cây xanh, cảnh quan, mặt nước. Với những lợi thế về đất đai, ở đây ưu tiên quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du. Đồng thời, kết nối đô thị lõi với hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái công nghệ cao dọc QL17 từ Quế Võ - Gia Bình - Thuận Thành; hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc QL38 và đường vành đai 4; hành lang du lịch văn hóa tâm linh kết nối Từ Sơn, Tiên Du với Thuận Thành...

Để trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, về định hướng quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, Bắc Ninh bố trí 12 KCN tập trung với tổng diện tích khoảng 4.800 ha. Đến năm 2045, bố trí 32 cụm công nghiệp diện tích khoảng 856 ha; chuyển đổi 13 cụm công nghiệp 310 ha sang đô thị, thương mại, dịch vụ… Đồng thời, xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển đa dạng các loại hình thương mại, đặc biệt là các hạ tầng thương mại mang tính chất quy mô lớn: Phát triển trung tâm logistics cấp vùng tại khu vực Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và khu vực Chi Lăng, Đào Viên, Ngọc Xá, Châu Phong (Quế Võ) phía Nam cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; 2 trung tâm logistics tại khu vực Dũng Liệt - Tam Đa (Yên Phong) để cung cấp các dịch vụ hậu cần phân phối hàng hóa cho Bắc Ninh và các tỉnh phụ cận. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, thu hút nhiều ngành công nghiệp phụ trợ, cần thiết lập khu trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ, trung tâm mua sắm quốc tế quy mô 3 - 10 ha theo hướng hiện đại tại các đô thị có định hướng phát triển thành quận trong tương lai. Cụ thể, quy hoạch trung tâm thương mại tại Hòa Long, Vũ Ninh, Khúc Xuyên, Đại Phúc (Bắc Ninh), Tương Giang, Đông Ngàn (Từ Sơn), Thụy Hòa, thị trấn Chờ (Yên Phong), Đại Xuân, Phố Mới, Chi Lăng (Quế Võ), Phú Lâm, Liên Bão, Phật Tích, Lạc Vệ (Tiên Du)...; phát triển chợ trung tâm tại phường Khắc Niệm (Bắc Ninh) và chợ nông sản Đức Long (Quế Võ) để phân luồng hàng hóa cho đô thị và phục vụ nhu cầu thiết yếu cho chuyên gia, người lao động tại các KCN.

Với một đô thị bất kỳ, việc phát triển hài hòa giữa cái mới và hiện trạng gắn với bảo tồn các không gian công cộng, văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, cảnh quan sinh thái tự nhiên là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Vì vậy, đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh xác định khu vực hành lang sinh thái dọc sông Đuống, sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê, sông Tào Khê, ngòi Con Tên vốn được tạo lập từ cảnh quan sinh thái tự nhiên cần gắn với bảo tồn các không gian văn hóa, lịch sử hiện có... Từ đó hình thành các khu nghỉ dưỡng, cung cấp các dịch vụ sinh thái, du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng. Đối với khu vực này, về tương lai Bắc Ninh khuyến khích phát triển các dự án có tính chất sinh thái, thấp tầng, mật độ thấp, công viên vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và dự án nông nghiệp đô thị. Xây dựng các hình thái kiến trúc đô thị đặc trưng, kết hợp giữa các công trình kiến trúc hiện đại và giải pháp không gian, kiến trúc truyền thống, giữ gìn và phục hồi kiến trúc truyền thống tạo nên hình ảnh văn hóa kiến trúc riêng cho đô thị Bắc Ninh - Kinh Bắc. Bên cạnh đó, đề cao việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt... gắn với định hướng phân vùng các khu vực cần bảo vệ công trình di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể UNESCO Dân ca Quan họ Bắc Ninh và các làng nghề, lễ hội truyền thống.

Đông Hải

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động