Đồng Nai: Nhiều kiến nghị liên quan đến phát triển ngành Công nghiệp môi trường

12/07/2023 00:00 Phát triển ngành CNMT
Nhằm thực hiện tốt Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh, cũng như giải quyết bài toán về môi trường, tỉnh rất cần đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nội dung Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường.

Hiện nay, số lượng cán bộ chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực công nghiệp môi trường của tỉnh còn hạn chế. Trình độ chuyên môn chưa thực sự đảm bảo để bám sát các nội dung trong đề án. Tỉnh đề nghị các cơ quan tham mưu triển khai đề án tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp về phát triển ngành công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh.

Song song với đó là các hoạt động, chương trình truyền thông, các cuộc thi và trao giải về doanh nghiệp công nghiệp môi trường xuất sắc; phổ biến, nhân rộng các kết quả, công trình nghiên cứu về các công nghệ, thiết bị, sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu sẽ giúp giảm tỉ lệ chôn lấp rác tại Đồng Nai
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu sẽ giúp giảm tỉ lệ chôn lấp rác tại Đồng Nai

Cùng với đó, việc xem xét phát triển các dự án điện rác trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ chôn lấp trực tiếp để tiết kiệm tài nguyên đất đai và giảm phát thải rác thải nhựa ra môi trường góp phần bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề cần sớm đưa vào triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những kiến nghị cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và triển khai đầu tư xây dựng các dự án nguồn năng lượng.

Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các nội dung hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, cơ chế ưu đãi, khuyến khích thực hiện Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Thông tư số 38/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định các sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư và xác định suất tiêu hao năng lượng. Cụ thể, các sản phẩm như Màng nhựa, Nhựa giả da, Nhựa PU khó xác định được định mức tiêu hao năng lượng áp dụng hoặc các sản phẩm nhựa kỹ thuật có chi tiết nhỏ, cầu kỳ sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với các loại nhựa kỹ thuật có kích thước lớn dẫn đến định mức tiêu hao năng lượng quy định cho các sản phẩm Nhựa kỹ thuật không còn chính xác. Ngoài ra, các định nghĩa về đối tượng áp dụng của Thông tư còn chưa thống nhất, sản phẩm Nhựa vật liệu xây dựng và Nhựa gia dụng/kỹ thuật được định nghĩa theo quá trình sản xuất, tuy nhiên Nhựa bao gói lại được định nghĩa thông qua sản phẩm cụ thể (khó khăn trong việc xác định các sản phẩm nhựa bao bì). Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi, hướng dẫn thực hiện xác định suất tiêu hao năng lượng ngành Nhựa.

Về nội dung khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp mục tiêu Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Ban chấp hành trung ương về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và góp phần hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách phát triển điện mặt trời thay thế cho chính sách giá đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021 tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương ban hành các quy định về biện pháp tăng cường chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Về việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nguồn năng lượng

Hiện nay, các dự án năng lượng tái tạo (điện rác, điện sinh khối) mà UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch. Do đó, chưa có cơ sở triển khai thực hiện đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, Chính phủ chưa phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đồng thời Bộ Công Thương chưa phân bổ nguồn năng lượng tái tạo cho tỉnh Đồng Nai làm cơ sở đầu tư phát triển nhằm cung cấp điện phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp ngày càng cao của tỉnh Đồng Nai.

Nguyễn Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động