Dự kiến hơn 110.000 tỉ đồng cho giai đoạn 1 sân bay Long Thành
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội Thủ tướng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội Cụ Bùi Bằng Đoàn: Tấm gương tiêu biểu, hết lòng vì nước, vì dân |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Báo cáo tại phiên họp. - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Ngày 25/6/2015, Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ 9 đã có Nghị quyết số 94/2015/QH13 thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với giai đoạn 1 của Dự án, đến nay đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.
Tổng mức đầu tư dự kiến (bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay…) là 111.689 tỉ đồng (một trăm mười một nghìn, sáu trăm tám mươi chín tỉ đồng), tương đương khoảng 4,779 tỉ USD.
Tại hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, diện tích đất để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến khoảng 1.165ha. Trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Tư vấn đã kiến nghị mở rộng phạm vi xây dựng giai đoạn lên 1.810ha để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của Cảng như kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, khu vực điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy, chữa cháy, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…
Đồng thời, Tư vấn đề nghị bổ sung diện tích phần san lấp mặt bằng cho đường cất hạ cánh song song (theo cấu hình đóng) và đường lăn kèm theo nhằm đảm bảo thuận lợi cho quá trình xây dựng đường cất hạ cánh này trong các giai đoạn tiếp theo.
Chính phủ trình và kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình duyệt. Cụ thể, chấp thuận hình thức đầu tư CHKQT Long Thành. Điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165ha lên khoảng 1.810ha. Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng. Chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 01 và 02 vào Dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1 để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư. Giao Chính phủ chỉ đạo công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện Dự án, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94/2015/QH13.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế bày tỏ tán thành với quy mô giai đoạn một đã được nghiên cứu theo Nghị quyết 94, song đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu và đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Dự án để vừa bảo đảm tính cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực, vừa có thêm đường băng dự phòng cho đường băng thứ nhất nếu xảy ra sự cố để quá trình khai thác được liên tục. Báo cáo cũng cho biết, có ý kiến đề nghị đối với giai đoạn 2, nghiên cứu ưu tiên xây dựng đường băng số 2 bên cạnh đường băng đã xây dựng tại giai đoạn 1 để bảo đảm tính tối ưu.
Về điều chỉnh đất sử dụng cho quốc phòng, theo Nghị quyết 94, diện tích đất cho quốc phòng là 1.050ha. Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh, trong số 1.050ha đất này, có 570ha dùng riêng cho quốc phòng và 480ha dùng chung giữa quân sự và dân sự (đường băng số 4 và đường lăn). Uỷ ban Kinh tế tán thành với việc sử dụng diện tích đất dùng chung (480ha), vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng.
Về điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1, Chính phủ kiến nghị tăng thêm 645ha từ 1.165ha lên 1.810ha để thực hiện giai đoạn 1 của Dự án. Ủy ban Kinh tế tán thành với kiến nghị của Chính phủ vì đây chỉ là việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng giữa các giai đoạn, để phù hợp với Dự án nghiên cứu khả thi, tổng diện tích của Dự án không thay đổi (5.000ha), Nghị quyết 94 cũng không quy định việc sử dụng bao nhiêu diện tích đất cho mỗi giai đoạn cụ thể.
Về tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4,779 tỉ USD, tương đương 111.689 tỉ đồng (chưa bao gồm hạng mục 4b là hạng mục xã hội hóa), Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Do đó, đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư dự án.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án có thể đạt tiến độ như Nghị quyết của Quốc hội giao là hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng cho biết nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ hoàn thành vì sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật rồi mới khởi công, mất rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, tham khảo các sân bay đã thực hiện thì tiến độ này là rất khó khăn. Hơn nữa, hiện UBND tỉnh Đồng Nai đang thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng HKQT Long Thành, đang tổ chức kiểm đếm và dự kiến sẽ áp giá bồi thường theo bảng giá đất 2020-2024 để tháng 10 năm 2020 có thể bàn giao mặt bằng cho việc thi công dự án giai đoạn 1. Tuy nhiên, qua khảo sát của Ủy ban kinh tế, còn có những khó khăn, vướng mắc trong công tác đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất; xác định giá bồi thường cây cao su và bồi thường về đất; hồ sơ phê duyệt các dự án thành phần có cấu phần xây dựng. Nhiều ý kiến băn khăn cho rằng tiến độ thu hồi đất khó bảm đảm. Nếu điều này xảy ra cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ giai đoạn 1 của Dự án.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để Dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua.