Gần 9 tháng đầu năm, Việt Nam chi 2,144 tỉ USD nhập khẩu dược phẩm
Gần 9 tháng qua, nhiều thị trường đạt kim ngạch cả trăm triệu USD trở lên. Trong đó, Pháp là quốc gia có kim ngạch nhập khẩu thuốc lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới. Riêng kim ngạch nhập khẩu dược phẩm từ thị trường Pháp đạt gần 265 triệu USD, tăng mạnh tới hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam ở thị trường này, chiếm tới hơn 26% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ Pháp.
Ảnh minh họa. |
Nhập khẩu từ thị trường Đức cũng đạt kim ngạch hơn 215 triệu USD, tăng gần 10 triệu USD so với cùng kỳ 2018. Cùng với châu Âu, châu Á cũng có nhiều thị trường nhập khẩu thuốc lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ đạt hơn 163 triệu USD.
Trong khi thị trường Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu thuốc chỉ đạt gần 25 triệu USD, nhưng nhóm hàng nguyên phụ liệu thuốc lại đạt kim ngạch đến gần 169 triệu USD.
Phụ thuộc lớn vào nguồn cung nhập khẩu nên mức chi nhập khẩu dược phẩm liên tục tăng cao trong những năm gần đây, trong đó phải kể đến một lượng lớn là các loại biệt dược, với giá thành đắt đỏ do không thể sản xuất trong nước.
Hết năm 2018, chi nhập khẩu dược phẩm của nước ta đạt 2,791 tỉ USD, giảm nhẹ so với mức chi nhập khẩu 2,819 của năm 2017.
Tổ chức nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI) dự báo, quy mô thị trường dược Việt Nam sẽ đạt 6,5 tỉ USD trong năm 2019, cùng mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là 10,6%/năm, và có thể đạt mức 16,1 tỉ USD cho tới năm 2026, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm. |