Giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương
Vấn nạn rác thải nhựa
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Ở các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ trung bình khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường.
Chỉ số nhựa trên đầu người của Việt Nam đến nay là trên 41kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8 kg/người/năm và chỉ có khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng.
Rác thải nhựa đang trở thành nỗi lo của toàn thế giới. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Thái - Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam (Bộ Công Thương) - cho rằng: "Với dân số hơn 96 triệu người, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày đang tạo ra một khối lượng lớn chất thải rắn, nước thải và khí thải, đòi hỏi ngành công nghệ môi trường phải xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với ngành Công Thương thì lượng tiêu thụ nhựa bình quân hàng năm có xu hướng tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Trong khi chính sách quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu; nhựa dùng một lần, khó phân hủy còn bất cập, cụ thể chưa xác định được nhu cầu sử dụng nhựa được tái chế từ phế liệu, sản phẩm thay thế còn ít, khó tìm, giá cao...”.
Ngành Công Thương chung tay chống rác thải nhựa
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương, lãnh đạo Bộ đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phổ biến thông tin, vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Đồng thời nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng trong đơn vị.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, đang triển khai xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn việc kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Cơ quan chức năng cần đánh giá hiện trạng phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần để từ đó lên kế hoạch cụ thể cho từng khu vực, tiến tới vào năm 2021, toàn bộ các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại không còn rác thải nhựa và đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Ngoài ra, Vụ Thị trường cũng sẽ lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của việc sử dụng túi nilon,sản phẩm nhựa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, từ đó khuyến khích doanh nghiệp và nhân dân thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Sản phẩm thân thiện môi trường giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. |
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết: "Đây là việc làm cần có sự chung tay của toàn xã hội mới có thể đạt được kết quả. Đối với doanh nghiệp cần nhanh chóng có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa hoặc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tái chế. Người dân thì hình thành thói quen đi chợ sử dụng túi đựng nhiều lần, túi dễ phân hủy. Về phía chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi nilon tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là chợ truyền thống”.
Đơn cử như Sở Công Thương Hà Nội là một trong những đơn vị đang triển khai tốt chương trình giảm thiểu chất thải nhựa, tạo hiệu ứng lan tỏa. Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội thông tin, hiện một số đơn vị phân phối như: Vinmart, BigC, MM Mega Market, Lotte, Co.opMart, Minh Hoa… đã chuyển sang sử dụng túi cuộn tự hủy, túi nilon tự hủy sinh học thay thế túi nilon sử dụng một lần; sử dụng các khay, hộp, đĩa và một số vật dụng dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm được làm từ bột ngô, bã mía, sơ dừa...
Ngoài ra, Sở Công Thương Hài Nội tiếp tục xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon; đồng thời nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tái chế tiên tiến để tích cực giảm thiểu chất thải nhựa hiệu quả nhất.