Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng thương mại của doanh nghiệp trong thanh toán trong nước
Tín dụng thương mại là gì?
Tín dụng nói chung là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latin, đó là “Creditium” có nghĩa là tin tưởng, tín nhiệm. Ngay với ý nghĩa ban đầu này nó cũng nói lên phần nào bản chất của tín dụng ngày nay. Tín dụng thương mại là một loại hình tín dụng giữa những người sản xuất kinh doanh với nhau, biểu hiện dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa. Việc đặt tiền trước cho người cung cấp mà chưa lấy hàng cũng là hình thức tín dụng thương mại vì người mua cho người bán tạm thời sử dụng vốn của mình.
Tín dụng thương mại khác với tín dụng ngân hàng và tín dụng tiêu dùng vì tín dụng thương mại có đối tượng là hàng hóa trong khi đối tượng của tín dụng ngân hàng là tiền tệ. Do đó nó có ưu thế hơn tín dụng ngân hàng ở chỗ tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch với ngân hàng. Hơn nữa, nhờ tính trừu tượng, tín dụng thương mại được yêu thích hơn vì người sử dụng không phải công khai hoạt động với ngân hàng.
Tín dụng thương mại ưu việt hơn tín dụng ngân hàng vì nó tạo nguồn vốn kinh doanh - điều có ý nghĩa rất lớn lao với những nước nghèo và thiếu vốn như nước ta, khi mà tín dụng tiêu dùng tạo tâm lý tiêu dùng, giảm tiết kiệm chưa phù hợp với điều kiện cần tích lũy như nước ta.
Công cụ lưu thông của tín dụng thương mại
Để đảm bảo người mua chịu trả nợ đúng hạn, bên cạnh sự tin tưởng, người bán chịu đòi hỏi phải có một chứng cứ pháp lý là tờ giấy chứng nhận quan hệ mua bán chịu, có thể do chủ nợ lập để đòi tiền hoặc do người mắc nợ lập để cam kết trả tiền - được gọi là “thương phiếu”. Vì vậy thương phiếu ra đời trên cơ sở quan hệ mua bán chịu giữa các chủ thể trong nền kinh tế.Trong quá trình phát triển, thương phiếu dần dần biến đổi tính chất, từ một giấy chứng nhận thông thường tở thành một công cụ lưu thông tín dụng có thể thực hiện được chức năng phương tiện lưu thông và phương tiện thanh toán thay thế cho tiền mặt trong nền kinh tế.
Một điều khoản tín dụng thương mại các doanh nghiệp thường thỏa thuận khi sử dụng hình thức tín dụng này là: “2/10 Net 30” có nghĩa là nếu trả tiền mặt trong vòng 10 ngày kể từ khi mua hàng, người mua sẽ được chiết khấu 2% trên giá cả hàng bán, người mua sẽ phải trả toàn bộ giá bán sau 10 ngày và được trả chậm trong vòng 30 ngày.
Nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu
Thương phiếu là công cụ tài chính của hình thức mua bán chịu giữa các doanh nghiệp, đến ngày đáo hạn người thụ hưởng mang thương phiếu đến đòi tiền người mắc nợ (người có trách nhiệm thanh toán ghi trên tờ thương phiếu). Nhưng người thụ hưởng cần tiền và muốn nhận tiền trước thời hạn thì ngân hàng sẽ tham gia vào nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu bằng cách mua lại thương phiếu với giá thấp hơn giá trị có thể nhận được từ thương phiếu (phần chênh lệch là tiền lãi chiết khấu ngân hàng thu được). Thực hiện nghiệp vụ chiết khấu mang lại một số lợi ích cho doanh nghiệp:
Một là, đảm bảo nguồn vốn kết hợp kinh doanh bình thường: Thương phiếu không phải là tiền vì phải chờ đến ngày đáo hạn người thụ hưởng mới nhận được tiền, trong khi đó tiền bán chịu chính là doanh thu của doanh nghiệp nên cần phải quay vòng nhanh để doanh nghiệp trang trải chi phí và hoạt động bình thường. Khi doanh nghiệp cần vốn mà thương phiếu chưa đến hạn thanh toán thì doanh nghiệp có thể chiết khấu thương phiếu đó tại ngân hàng thương mại để có tiền sử dụng vào sản xuất.
Hai là, nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu giúp gia tăng quan hệ tín dụng thương mại giữa các doanh nghiệp: Vì với nghiệp vụ này doanh nghiệp sẵn lòng bán chịu hơn do có thể chiết khấu nhận được tiền trước ngày đáo hạn thương phiếu khi cần tiền, chứ không cần giữ mãi thương phiếu đó.
Ba là, nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu giúp gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ: Khi ngân hàng chiết khấu thương phiếu thì người thanh toán thương phiếu mới chính là đối tượng chủ yếu mà ngân hàng quan tâm khi ngân hàng cấp tín dụng, mặc dù chủ nợ hay người thụ hưởng mới là người mang thương phiếu đi chiết khấu. Nếu người thanh toán là công ty lớn, hoạt động hiệu quả thì sẽ dễ dàng được ngân hàng được ngân hàng chấp nhận chiết khấu. Ví dụ như: Nếu một công ty ABC (rất nhỏ, chưa danh tiếng) bán chịu một lô hàng cho công ty lớn như công ty sữa Vinamilk và ký bảo đảm lên hối phiếu đó. Khi công ty ABC mang hối phiếu đó đến ngân hàng để chiết khấu, có thể dựa vào danh tiếng, năng lực hoạt động tốt của Vinamilk thì ngân hàng dễ chấp nhận hối phiếu đó hơn. Và nhờ đó ABC dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn lý tưởng bậc nhất trong nền kinh tế là từ ngân hàng mà không tốn quá nhiều chi phí và thời gian.
Thực trạng tín dụng thương mại trong nước
Trong nền kinh tế thị trường, hiện tượng thừa thiếu vốn ở các doanh nghiệp thường xuyên xảy ra, hoạt động của tín dụng thương mại một mặt đáp ứng được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tạm thời thiếu đồng thời giúp cho các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa của mình. Mặt khác sự tồn tại của hình thức tín dụng này giúp cho các doanh nghiệp khai thác được vốn nhằm đáp ứng kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực tế cho thấy, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng đối với doanh nghiệp bị hạn chế. Vì vậy, việc tiếp cận nguồn tín dụng thương mại được các nhà kinh doanh quan tâm nhiều hơn. Quan hệ tín dụng thương mại được hình thành trong điều kiện thành phẩm của doanh nghiệp thừa vốn là nguyên, nhiên, vật liệu của doanh nghiệp thiếu vốn, nếu quan hệ mua bán chịu được thực hiện trong một thời hạn nhất định thì cả hai đều có lợi. Vì có sự khác biệt về chu kỳ sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp, nên việc thừa vốn ở doanh nghiệp này và thiếu vốn ở doanh nghiệp khác là phổ biến và tính tất yếu.
Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, sự cần thiết sử dụng tín dụng thương mại là rất lớn. Có đến 84% doanh nghiệp trên cả nước có nhu cầu sử dụng tín dụng thương mại để phục vụ cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp luôn ở tình trạng thiếu vốn để xoay vòng, vì vậy việc “mua bán chịu” các nguyên liệu sản xuất là rất cần thiết. Tín dụng thương mại như là một sự “cứu trợ” giữa các doanh nghiệp với nhau.
Bên cạnh đó, tín dụng thương mại trong nước còn bộc lộ những hạn chế nhất định:
Tín dụng thương mại còn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp bán chịu:
Tín dụng thương mại trong nước hiện nay chỉ dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau giữa những người mua - người bán dẫn đến tình trạng nợ dây dưa giữa các doanh nghiệp. Chẳng phải ngẫu nhiên mà một số người cho rằng vụ cháy chợ Rồng ở Thanh Hóa và chợ Đồng Xuân ở Hà Nội là do có kẻ muốn thủ tiêu giấy tờ ghi nợ.
Tín dụng thương mại là hình thức tín dụng phổ biến trong kinh doanh. Các đơn vị giao hàng đợt sau mới lấy được tiền hàng đợt trước. Khối tín dụng thương mại lên đến hàng ngàn tỷ đồng không có gì bảo đảm gây thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp bán hàng chịu.
Theo thống kê, tín dụng thương mại chiếm đến 40% tổng số vốn lưu động của các doanh nghiệp. Họ thường xuyên sử dụng hình thức này để giải quyết vấn đề vốn kinh doanh hạn hẹp. Nhiều khi người bán phải chấp nhận bán chịu như một hình thức khuyến mại, khuyến khích mua hàng của họ. Trong bài viết “Các yếu tố ảnh hưởng tới tín dụng thương mại của các trang trại nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Trà Vinh” tác giả Trần Ái Kết cho biết gần 55% trang trại có sử dụng tín dụng thương mại. Lý do cơ bản là vì nguồn vốn kinh doanh có hạn, người bán phải chấp nhận một thời hạn nào đó để người mua giải phóng hàng, gom tiền trả nợ - đây là giải pháp hữu hiệu dể duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, nhiều khi người bán không đòi được tiền, bị quỵt nợ mà không biết kêu ai.
Tín dụng thương mại gây rủi ro cho tín dụng ngân hàng
Hiện nay, tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, không trả lãi và không có thương phiếu nhận nợ là phổ biến. Nhiều khi ngân hàng mất trắng do chủ nợ chặn hàng siết nợ hoặc đẩy ngân hàng đến chỗ cho vay không có vật tư đảm bảo. Mặt khác, nhiều khoản vay ngân hàng bị sử dụng sai mục đích vì phải trang trải cho các món nợ tín dụng thương mại mang tính bắt buộc, người mua buộc phải trả tiền vô điều kiện khi đến hạn. Nếu không có khả năng thanh toán, để khỏi vỡ nợ, các doanh nghiệp bù đắp tín dụng thương mại bằng các khoản vay khác.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế:
- Ngân hàng Nhà nước chưa có những hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến thương phiếu để nó có có thể trở thành một công cụ lưu thông tín dụng pháp định thay thế cho tiền mặt trong lưu thông.
- Pháp lệnh thương phiếu vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên tính khả thi vẫn còn kém.
- Các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh hiểu biết còn rất ít hoặc còn hiểu mơ hồ về công cụ tín dụng thương mại - thương phiếu.
- Các chủ thể tham gia vào nghiệp vụ thương phiếu (người bán chịu hàng hóa, người được chuyển nhượng thương phiếu, ngân hàng bảo lãnh,…) chưa thật sự có lòng tin đối với thương phiếu và khả năng chuyển hóa ra tiền của thương phiếu khi đến hạn.
Một số giải pháp, kiến nghị
Trong thời gian tới, để hạn chế rủi ro tín dụng thương mại, tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế những rủi ro tín dụng thương mại trong thanh toán trong nước:
Về phía Nhà nước:
- Xây dựng lại pháp lệnh thương phiếu cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Xây dựng các công ty tư vấn tín dụng với những chuyên gia về tín dụng làm chức năng tư vấn bổ sung thông tin. Các công ty tư vấn này cung cấp những hiểu biết ban đầu về tín dụng thương mại và các vấn đề có liên quan, sau đó giúp khách hàng lựa chọn quyết định đúng đắn về kinh doanh cũng như đầu tư vào thương phiếu. Nhờ các công ty này rủi ro và tiêu cực của tín dụng thương mại sẽ giảm đáng kể.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ở nước ta, thủ tục hành chính rất rườm rà, làm cho chất lượng tín dụng không bảo đảm. Vì vậy, tiến hành cải cách hành chính sao cho việc giao dịch với khách hàng chiết khấu đơn giản mà vẫn đảm bảo tính nguyên tắc, an toàn.
- Đẩy mạnh hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng.
- Miễn, giảm thuế, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp, ngành hàng đang gặp khó khăn.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thảo luận về thương phiếu và ích lợi của thương phiếu đến các doanh nghiệp, là những chủ thể chủ yếu trong quan hệ thương phiếu.
- Phát triển thị trường tài chính: Việc làm này tăng khả năng lưu thông và thương phiếu giảm rủi ro cho người bán chịu. Thông qua thị trường với sự cạnh tranh, thương phiếu được bán với giá cao nhất có thể nên nó khuyến khích được người kinh doanh.
Về phía ngân hàng
- Nâng cao nghiệp vụ của ngân hàng nhất là nghiệp vụ chiết khấu, đảm bảo cho tín dụng thương mại thuận lợi, đồng thời phải có cơ chế để các doanh nghiệp không thể chiếm dụng vốn lẫn nhau.
- Sử dụng nhiều loại cho vay để kiểm soát chặt chẽ ảnh hưởng của tín dụng thương mại như cho vay các động sản hóa các khoản tín dụng thương mại, cho vay thương phiếu ghi băng từ…
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của ngành ngân hàng.
- Ngân hàng cần tiến hành theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời nắm được những hành vi phi pháp và đưa ra mức chiết khấu hợp lý đối với từng loại thương phiếu.
Về phía doanh nghiệp
- Tạo sự uy tín với đối tác, thanh toán đúng hạn, việc thanh toán đúng hạn là một trong những nhân tố lớn tạo niềm tin vững chắc cho đối tác
- Hồ sơ tín dụng phải rõ ràng, chính xác. Đây là cách trực tiếp để có một tỷ lệ tín dụng khả quan.
- Nâng cao nguồn nhân lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động kinh doanh của các đối tác.