Giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống Tết Việt

02/02/2024 16:18 Văn hóa
Trong tâm thức người Việt, Tết Nguyên đán luôn có vai trò quan trọng và thiêng liêng. Đây là tiết lễ đầu tiên, khởi đầu cho một năm mới với bao niềm tin và hy vọng. Bởi vậy, trải qua thời gian, những phong tục, tập quán đón Tết cổ truyền xưa của người Việt luôn giữ được nét truyền thống, đặc sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngàn đời

Mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có những nét văn hóa đặc trưng của ngày Tết Nguyên đán, song những tục như xông đất, đi lễ cầu may, xin lộc, chúc Tết, mừng tuổi... thì ở đâu cũng giống nhau. Mỗi phong tục đều mang một nguồn gốc, ý nghĩa tâm linh riêng song đều hướng đến những giá trị cao đẹp được gìn giữ và lưu truyền từ ngàn đời nay. Gửi gắm trong đó là những mong muốn mang lại những điều may mắn, an lành trong năm mới cho mọi người, mọi nhà.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngàn đời
Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngàn đời

Nói đến Tết xưa thì không thể thiếu được “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Phong vị Tết Việt đã hiện rõ trong đó. Từ món ăn để thờ cúng, ăn uống trong dịp đầu xuân (bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành) đến những thứ thuộc về văn hóa (câu đối), tâm linh (cây nêu trừ ma quỷ), vui chơi (tràng pháo) đều có đủ. Thật vậy, mỗi dịp Tết đến, xuân về thì dù bận bịu đến mấy, hay thiếu thốn đến đâu, bằng cách này hay cách khác, người người, nhà nhà đều cố gắng chuẩn bị cho gia đình mình một cái Tết đủ đầy, tươm tất theo nếp văn hóa xưa.

Từ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đã tất bật dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, chuẩn bị lễ cúng ông Công, ông Táo với mâm cơm cùng chú cá chép để tiễn các ông về trời. Đầm ấm nhất là phút giây cả nhà cùng nhau gói bánh, quây quần bên bếp lửa, hàn huyên tâm sự về những buồn vui năm qua. Niềm hạnh phúc đong đầy ấy tiếp tục lan tỏa trong bữa cơm tất niên chiều 30 Tết, trong sự háo hức cùng nhau đón chào khoảnh khắc giao thừa.

Ngày mùng 1 đầu năm, các gia chủ sẽ lựa chọn những người hợp tuổi chủ nhà để xông đất, để mong có được nhiều may mắn, bình an về sức khỏe hay công việc. Bên cạnh đó, nhiều người cũng sẽ chọn ngày đẹp để xuất hành những chuyến đi lễ đầu năm, là một nét đẹp tâm linh đã in sâu vào đời sống văn hóa của người Việt.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa Tết cho thế hệ mai sau

Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai. Bởi vậy, trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán, trong không khí hân hoan đón chào năm mới, nhiều đơn vị, cơ sở giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa cho học sinh gắn với Tết cổ truyền, như: tổ chức Lễ hội “Bánh chưng xanh”, cuộc thi “Bếp nhà mình”, “Hội chợ Xuân”, … Các hoạt động đó không chỉ tạo giờ ngoại khóa bổ ích mà còn giúp các em thêm hiểu, trân trọng, yêu quý văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều trường học, đơn vị còn tổ chức các chương trình thiện nguyện rất ý nghĩa như: quyên góp tiền hỗ trợ người nghèo đón Tết, thăm và tặng quà các đơn vị vùng sâu, vùng xa, trao những món quà tết cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn chung tay mang đến cho cộng đồng một cái Tết đủ đầy, đầm ấm. Qua những hoạt động này, các trường học đã không ngừng lan tỏa, giáo dục cho học sinh về đạo lý truyền thống tốt đẹp, quý báu “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc nhất là trong dịp tết đến, xuân về.

Cô giáo Bùi Thu Hiền - Hiệu trưởng trường Mầm non số 6, quận Ba Đình, Hà Nội cùng các con trải nghiệm gói bánh chưng tại Lễ hội Bánh chưng xanh. Ảnh: Mầm non số 6
Cô giáo Bùi Thu Hiền - Hiệu trưởng trường Mầm non số 6, quận Ba Đình, Hà Nội cùng các con trải nghiệm gói bánh chưng tại Lễ hội Bánh chưng xanh. Ảnh: Mầm non số 6

Không khí Tết như đến sớm hơn với sự háo hức, phấn khởi, say mê của học sinh khi tham gia các hoạt động ngày Tết cùng bạn bè, thầy cô và gia đình. Có thể nói, việc giáo dục cho em học sinh ý thức, trách nhiệm gìn giữ những phong tục, nét đẹp văn hóa của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó với gia đình, với cộng đồng và thêm trân quý những giá trị của cuộc sống.

Những trải nghiệm về văn hóa Tết sẽ là hành trang theo các em trong suốt cuộc đời để hướng tới một con người toàn diện về “Văn - Thể - Mỹ”
Những trải nghiệm về văn hóa Tết sẽ là hành trang theo các em trong suốt cuộc đời để hướng tới một con người toàn diện về “Văn - Thể - Mỹ”

Một mùa Xuân nữa lại về, ngày Tết cổ truyền cũng đang chạm dần nơi góc phố, hiên nhà mang theo biết bao hy vọng, những điều an lành, tốt đẹp. Trải qua những thăng trầm của thời cuộc đã có những giá trị thay đổi, nhưng những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền mãi luôn trường tồn. Những giá trị đó đã góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đồng.

Phạm Quỳnh Mai - Trường Mầm non số 6

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động