Gỡ vướng về đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Bình Phước yêu cầu dừng tách thửa đất nông nghiệpĐề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt NamNâng cao chất lượng đào tạo lao động ngành nông nghiệp |
Thay đổi tư duy, thay đổi cơ chế
Ở nước ta, do lịch sử và thói quen canh tác, đất đai nông nghiệp bị phân tán thành nhiều mảnh, manh mún. Hiện, có gần 14 triệu hộ nông dân đang sở hữu 78 triệu mảng ruộng nhỏ lẻ. Dù đã triển khai được một vài năm qua, nhưng quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra khá chậm, vẫn còn hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích dưới 0,5ha. Điều này khác biệt khá lớn so với các nước trong khu vực, khi từ năm 2012, Thái Lan với 1,4 triệu mảnh ruộng có quy mô hơn 22 ha. Tại Trung Quốc, từ năm 2013, 8,82% diện tích có quy mô hơn 3 ha/mảnh.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ. Năng suất lao động ngành nông nghiệp còn hạn chế, trình độ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp...
Doanh nghiệp muốn tham gia để sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do những rào cản về chính sách. |
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay ở nước ta có một nghịch lý, trong khi các doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án nông nghiệp, nông dân có ruộng lại không mặn mà với sản xuất, thậm chí nhiều nơi bỏ ruộng hoang. Bên cạnh đó, tâm lý chung của nông dân là muốn giữ đất để khi có quy hoạch thực hiện các dự án hoặc công trình công cộng sẽ được đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tránh được mối lo biến dạng ruộng đất, mất đất sau khi giao cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả, đó chính là tư duy giữ đất làm của để dành, tài sản sẵn có cho con cháu đời sau. Chính điều này đã gây nên nhiều rào cản trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Về mặt chính sách, quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất chưa khuyến khích, tích tụ đất đai quy mô lớn, nhất là quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm đối với hộ gia đình không được quá 10 lần hạn mức giao đất. Điều này đã gây khó khăn cho người nhận chuyển quyền vượt quá hạn mức quy định, phải nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần diện tích vượt hạn mức bị từ chối khi thế chấp vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, người dân không trực tiếp sản xuất, mặc dù, có vốn, công nghệ, thị trường, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng đang là một quy định gây cản trở đầu tư vào nông nghiệp.
Gỡ bỏ rào cản về tích tụ ruộng đất
Tháng 7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.
Nghị quyết đặt ra các giải pháp cụ thể như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất, tạo cơ chế đồng bộ để thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển; khẩn trương nghiên cứu cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp…
Ngày 7/8/2019, Bộ Chính trị cũng có Kết luận số 54-KL/TW của về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó, yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các quy định pháp luật liên quan; thể chế hóa các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai nêu tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và Kết luận số 36-KL/TW, ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, loại con khác có hiệu quả hơn; việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang "đất công nghiệp và dịch vụ nông thôn" phải thực hiện theo nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch, bảo đảm các quyền lợi của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Xử lý kiên quyết các vi phạm pháp luật về đất đai; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, bức xúc của người dân về đất đai.
Theo Bộ TN&MT, thực hiện theo Chương trình công tác 2019 của Chính phủ, Bộ TN&MT đang triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định về tích tụ tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập gồm các thành viên là các Bộ, ngành liên quan.