Hà Giang: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tập trung đạt yêu cầu bảo vệ môi trường là "rất thấp""

27/02/2024 05:58 Hạ tầng bảo vệ môi trường
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 22 đô thị gồm 01 đô thị loại III, còn lại 21 đô thị loại V. Trong đó có 03 khu vực đô thị được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tuy nhiên có dự án thì chưa hoàn thiện để đi vào vận hành, có dự án thì hoàn thiện được vài năm nhưng cũng không còn hoạt động được.

Cụ thể, theo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường tỉnh Hà Giang năm 2023, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tính đến 31/12/2023, tỉnh Hà Giang có 22 đô thị, trong đó 01 đô thị loại III là thành phố Hà Giang còn lại 21 đô thị loại V gồm 13 thị trấn và 08 xã.

Trước những mặt tích cực trong công tác bảo vệ môi trường năm 2023 của tỉnh thì đối với việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên toàn tỉnh lại đang là vấn đề đáng lưu tâm.

Trên địa bàn tỉnh, hiện đã có thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ và thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, tuy nhiên thời điểm hiện tại, cả hai trạm này đều không còn hoạt động được.

Được biết, cả hai trạm xử lý nước thải trên đều được hoàn thành trong khoảng thời điểm năm 2016 với nguồn vốn chủ yếu là vốn ODA của Phần Lan. Hai dự án này đều được đầu tư hàng chục tỷ đồng, tuy đã hoàn thiện từ lâu, nhưng hiệu quả không cao và đến thời điểm hiện tại, cả hai hệ thống xử lý nước thải này đều không còn hoạt động được dẫn đến lãng phí và ảnh hưởng đến mục tiêu chung trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.

Hà Giang: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tập trung đạt yêu cầu bảo vệ môi trường là
Trạm xử lý nước thải tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ được đầu tư tuy nhiên đến nay không hoạt động được. (ảnh - báo xây dựng)

Còn tại thành phố Hà Giang, hiện nay đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 01, công xuất sử lý 3.000m3/ngày.đêm nhưng đến nay, sau nhiều năm thi công dự án vẫn chưa đi vào vận hành (theo số liệu thống kê, mỗi ngày thành phố Hà Giang phát sinh khoảng 12.333m3 nước thải sinh hoạt cần được thu gom và xử lý)

Dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Hà Giang cũng là dự án sử dụng nguồn vốn chủ yếu là vốn ODA của Đan Mạch, với tổng mức đầu tư gần 230 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ năm 2019, đến nay cơ bản đã hoàn thành những hạng mục đầu tư theo chủ trương được phê duyệt, tuy nhiên vì nhiều lý do mà dự án vẫn chưa đi vào vận hành tổng thể được.

Còn tại các đô thị còn lại chưa được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng thu gom nước thải, rác thải và chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ nước thải đô thị, nước thải nông thôn được thu gom, xử lý tập trung đạt yêu cầu bảo vệ môi trường là 0%.

“Vỡ” kế hoạch về thu gom, xử lý nước thải đạt yêu cầu bảo vệ môi trường

Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch số 443/KH-UBND ngày 06/12/2017 về phát triển thoát nước đô thị và khu, cụm công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, đối với nước thải, mục tiêu đến năm 2020: Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 30% diện tích bao phủ dịch vụ;

15% tổng lượng nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường;…

Đến năm 2025, mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 40% diện tích bao phủ dịch vụ;

20% tổng lượng nước thải các đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường;…

Như vậy, có thể thấy, với Kế hoạch 443/KH-UBND của UBND tỉnh Hà Giang đã đặt ra với mục tiêu thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị đã không đạt được mục tiêu đề ra tại thời điểm kết thúc năm 2020 và đến thời điểm kết thúc năm 2023, tỷ lệ nước thải đô thị, nước thải nông thôn được thu gom, xử lý tập trung đạt yêu cầu bảo vệ môi trường ở mức 0% đây thực sự là một câu hỏi lớn về thực hiện kế hoạch đã đề ra về bảo vệ môi trường của tỉnh.

Đến lúc các cấp chính quyền tỉnh Hà Giang cần có đánh giá một cách tổng quan về tính hiệu quả của các dự án đã, đang đầu tư để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Để từ đó có định hướng, biện pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc để công tác bảo vệ môi trường được tốt hơn.

Nguyễn Quang
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động