Hà Nam: Ẩn họa trực chờ từ đường ngang

01/08/2019 10:44 Tăng trưởng xanh
Thời gian gần đây, trên cung đường sắt chạy qua địa phận Hà Nam liên tục xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, chủ yếu là va chạm giữa tàu hỏa và phương tiện qua lại ở các đường ngang, tình trạng trên đang ở ngưỡng báo động rất cần được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Hà Nam: Ẩn họa trực chờ từ đường ngang

Học sinh đang băng qua đường ngang dù tàu đang tới. (chụp tại phường Thanh Châu, TP. Phủ Lý)

Có mặt tại nút giao giữa đường Đinh Tiên Hoàng và đường sắt Bắc Nam thuộc Km57+106, địa phận thành phố Phủ Lý những ngày gần đây, chúng tôi chứng kiến: Mặc dù khi ấy đang có tàu hỏa hướng Nam Định - Hà Nội đang đi tới, còi tàu hú, tín hiệu cảnh báo inh tai từ phía trạm gác chắn gần đó song thật khó hiểu, có rất nhiều phương tiện xe máy cố tình vượt rào chắn; trong lúc vội, phương tiện va quệt nhau, người đi đường vẫn “tranh thủ” lườm nguýt cãi vã rồi mới vù xe đi…

Còn tại lối ngang dân sinh tự phát gần Công ty khai thác Công trình thủy lợi Nam Hà Nam, hiện hằng ngày nhiều người vẫn “cố tình” qua lại, từ công nhân cho đến học sinh...Có mặt tại đây chúng tôi chứng kiến, khi tàu đang tới chỉ còn cách đường ngang chừng 50m, một vài công nhân tan ca và mấy học sinh vẫn cố tình phi xe băng qua, có vẻ họ đang “làm ngơ” trước nguy hiểm.

Bà Nguyễn Thị Lan, 58 tuổi nhà ở phố Phan Trọng Tuệ (Khu đô thị Bắc Thanh Châu), gần lối ngang tự phát trên cho biết: “Sống ở đây lâu năm tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm, mới đây ngày 30/6 tại đoạn đường sắt chạy qua trường Thủy Lợi đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 2 thanh niên tử vong tại chỗ khi 2 người này cố tình tạt qua đầu tàu”.

Lối đi tự phát ở phường Thanh Châu, Phủ Lý tấp nập người qua lại dù là một điểm đen giao thông

Qua quan sát chúng tôi còn thấy, ở những đoạn có lối ngang tự phát bị che khuất do nhiều cây cối um tùm, hạn chế đáng kể tầm nhìn của người đi lại khi có tàu qua, đó cũng là lí giải hợp lý cho tình trạng vì sao tai nạn, “chết hụt” xảy ra nhiều.

Có thể thấy, chỉ từ một chút lơ là hoặc chủ quan, cố tình vượt tàu mà một số người tham gia giao thông đã phải trả giá đắt bằng cả tính mạng. Đáng nói, ở nhiều vị trí xảy ra tai nạn, tầm nhìn khá thoáng, có ba-ri-e và chuông cảnh báo tự động, nhưng do tâm lý nôn nóng, chủ quan của người đi đường muốn vượt nhanh qua và tai họa có thời cơ ập tới.

Cụ thể cho việc này phải kế đến đoạn đường sắt Bắc Nam Km 50 + 306 thuộc địa phận xã Tiên Tân, Duy Tiên ( Hà Nam), chỉ nghe đến tên Tiên Tân hẳn trong tâm thức nhiều người ai cũng đã nghĩ ngay đến rất nhiều vụ tai nạn lật tàu thảm khốc đã từng xảy ra từ cả chục năm về trước.

Khi tận mắt sở thị mới thấy khó hiểu, không biết vì lí do gì, mà hiện nay tình trạng cố băng qua đường sắt tại nhiều lối ngang, đường ngang vẫn thường xuyên diễn ra, trong khi trước đó, ở vị trí đó từng có không ít tai nạn. Vụ tai nạn đường sắt đáng tiếc xảy ra chiều ngày 9/7 tại nút giao thuộc địa phận xã Duy Minh, huyện Duy Tiên (Hà Nam) khiến một công nhân tử vong tại chỗ khi nạn nhân chạy xe máy cắt ngang mặt tàu hỏa là một ví dụ.

Có mặt vào khoảng 16 giờ chiều ngày 05/07 tại đoạn giao cắt đường sắt – đường bộ Lam Hạ (Phủ Lý) thuộc Km 54 + 670 để thực tế, gần 1 tiếng đồng hồ thì chúng tôi thấy tín hiệu đèn cảnh báo vang lên, lúc sau thấy xuất hiện một đoàn tàu khách từ phía Hà Nội – Phủ Lý đang chạy tới. Chuông cảnh báo réo đến điếc tai, gác tàu tự động hạ cần chắn, song chúng tôi thấy ngạc nhiên vô cùng khi chứng kiến vẫn có người cố tình lách xe máy để băng qua, trong khi tàu chỉ còn cách vài chục mét.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa bàn bàn Hà Nam hiện nay đang tồn tại một số điểm đen nhức nhối về đường sắt như: ngã ba Lam Hạ (Km54 + 670); ngã ba Phủ Lý (Km 56 +790); Km57+106 qua Phủ Lý; tại các địa điểm này đã từng xảy ra nhiều vụ tai nan thảm khốc, gây thiệt hại về người, phương tiện, tài sản. Riêng tại cung đường Bình Mỹ, huyện Bình Lục (Km67+520) khu vực ngã 3 cầu Họ, xã Trung Lương, vào cuối năm 2017 đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến hai mẹ con tử vong do chủ quan, chờ dừng tầu ở cự ly quá gần.

Phế liệu tập kết bừa bãi lẫn hành lang an toàn đường sắt ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm

Theo vị thanh tra này, mặc dù đơn vị chuyên trách đã liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo giục phổ biến sâu rộng luật giao thông đường sắt, đường bộ trong quần chúng nhân dân địa phương, song rất tiếc một bộ phận người dân nhất là lứa tuổi thanh niên ý thức kém, chấp hành luật chưa tốt nên họ biết là nguy hiểm nhưng vẫn ngang nhiên vi phạm luật, đó cũng là nguồn cơn của một số vụ tai nạn vẫn xảy ra trong thời gian qua.

Theo thống kê thì bình quân trên địa bàn tỉnh Hà Nam cứ khoảng 50-100m có 1 đường ngang dân sinh, nên giáp tiếp ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt trong tỉnh.

Bên cạnh tình trạng mất an toàn của các tuyến đường ngang giao nhau, đường ngang dân sinh và đường mở tự phát thì thực trạng lấn chiếm hành lang ở một số đoạn (đặc biệt có làng nghề) như ở các xã Liêm Chung, Liêm Tiết, Phố Động (thành phố Phủ Lý); xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm) kéo dài xuống huyện Bình Lục vẫn diễn ra phổ biến, phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn chia sẻ, thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Đơn vị nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa, nhưng cứ giải tỏa xong một thời gian lại đâu vào đấy, dân lại tái vi phạm theo kiểu cứ có mặt cơ quan chức năng thì dân lập tức “trả lại mặt bằng”, cơ quan chức năng đi thì đâu lại vào đó. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất là làm hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi dân sinh theo Quyết định 1856 lại thực hiện dở dang do thiếu vốn. Vì thế, công trình xuống cấp, dân vẫn tiếp tục tái lấn chiếm…
Hơn nữa do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của thành phố Phủ Lý và một số địa bàn huyện lỵ của tỉnh Hà Nam, khiến mật độ các phương tiện giao thông lưu thông trên các con đường ngang dân sinh ngày một tăng cao, khiến nguy cơ xảy ra tai nạn luôn ở mức báo động.

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động