Hà Nam: Những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp

07/08/2023 08:12 Địa phương
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Hà Nam chỉ đạo các ngành chức năng tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các quy định của tỉnh không còn phù hợp; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN thu hút doanh nghiệp vào hoạt động...

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nam, 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Hà Nam ước tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành khai khoáng tăng 9,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,72%.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất tăng cao như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng hơn 19%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng hơn 17%; sản xuất thiết bị điện tăng hơn 16%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng hơn 11%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng hơn 10%. Cũng trong 6 tháng đầu năm có một số ngành sản xuất công nghiệp giảm so với năm 2022 như: công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm gần 18%; dệt may giảm gần 16%; sản xuất trang phục giảm gần 10%.

Hà Nam: Những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp
6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Hà Nam ước tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2022.

Sở Công Thương Hà Nam cũng nhận định, 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp sản xuất bị nhiều tác động bởi chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng sụt giảm đã tạo sức ép khiến cho nhiều doanh nghiệp phải chủ động giảm mức sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong tỉnh, từ đầu năm đến nay còn gặp nhiều khó khăn do chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay tăng cao, trong khi đó nhu cầu đầu ra của sản phẩm vẫn bị thu hẹp, đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực.

Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, trong 6 tháng đầu năm 2023 UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các ngành chức năng tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định của tỉnh không còn phù hợp hoặc đang làm cản trở hoạt động để giảm thiểu thời gian và chi phí ra nhập thị trường cho doanh nghiệp; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải phóng mặt bằng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN thu hút doanh nghiệp vào hoạt động; ngành hải quan hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhập khẩu thiết bị máy móc phục vụ sản xuất; các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất hợp lý.

Đối với ngành công thương tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp; thường xuyên quan tâm nắm bắt thông tin từ phía doanh nghiệp, kịp thời phối hợp với các ngành chức năng và tham mưu với UBND tỉnh giải quyết hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất. Cùng với đó, các cấp, ngành tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3163/KH-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để hoàn thành giá trị sản xuất công nghiệp theo kế hoạch năm 2023 đề ra, các cấp, ngành đã và đang tăng cường phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Đối với ngành công thương tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tăng cường phối hợp với nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp đăng ký đi vào sản xuất trong năm 2023.

Các ngành chức năng triển khai kịp thời những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng thẩm định, lựa chọn dự án đầu tư vào địa bàn bảo đảm hiệu quả; khuyến khích dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ công và tạo mặt bằng sạch để thu hút doanh nghiệp vào hoạt động; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính, công nghệ sản xuất hiện đại; triển khai hiệu quả các dự án đầu tư theo hướng bảo đảm tính liên thông, đồng bộ trong các quy trình thủ tục.

Đông Hải

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động