Hà Nội: Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều để giảm nhẹ thiên tai

29/12/2021 09:06 Địa phương
Đê điều là hạng mục công trình trọng yếu trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, do đó việc giữ an toàn hệ thống đê điều là một trong các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Hà Nội: Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều để giảm nhẹ thiên tai
Để bảo vệ hiệu quả các tuyến đê trước mỗi mùa mưa lũ, Chi cục phòng, chống thiên tai Hà Nội luôn coi việc bảo vệ hệ thống đê điều là nhiệm vụ thường xuyên

Hà Nội có có 7 con sông chảy qua: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy và các sông nội tỉnh: Sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà. Hệ thống đê điều lớn, Thành phố Hà Nội hiện có tổng số 626,513km đê được phân cấp: 37,709km đê hữu Hồng (đoạn Hà Nội cũ) là đê cấp Đặc biệt; 249,578km đê cấp I (hữu Hồng, tả Hồng, tả-hữu Đuống, tả Đáy I, Vân Cốc); 45,004km đê cấp II (Gồm 4 tuyến: hữu Đà, tả Đáy II, La Thạch, Ngọc Tảo); 72,165km đê cấp III (Gồm 7 tuyến: hữu Cầu, tả Cà Lồ, hữu Cà Lồ, hữu Đáy, Quang Lãng, Liên Trung, Tiên Tân); 160,016km đê cấp IV (Gồm 9 tuyến: hữu Đáy, tả Tích, tả Bùi, hữu Bùi, Mỹ Hà, Khánh Minh, Vòng Ấm, Đô Tân, đê bao hồ Quan Sơn – Tuy Lai – Vĩnh An); 62,041km đê cấp V (gồm các tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng). Ngoài ra, Thành phố còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 213,93 km chưa được phân cấp.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND Thành phố Hà Nội, hệ thống đê điều trên địa bàn Thủ đô được đầu tư duy tu, sửa chữa và nâng cấp, đảm bảo cao trình chống lũ, phòng chống thiên tai theo thiết kế. Tuy nhiên, do nhiều năm nay các tuyến sông lớn của Hà Nội chưa xảy ra lũ, một số tuyến đê chưa trải qua thử thách chống lũ, có nhiều vị trí đê trọng điểm, xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố…Vì vậy, việc giữ an toàn hệ thống đê điều là một trong các nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trước mỗi mùa mưa lũ trong năm.

Qua khảo sát thực địa, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội xác định, trên các tuyến đê đi qua địa bàn hiện nay còn 05 trọng điểm (1-Đê, kè, cống Xuân Canh, Long Tửu (Tả Đuống), huyện Đông Anh; 2-Cống Liên Mạc (Hữu Hồng), quận Bắc Từ Liêm; 3-Cống Cẩm Đình, (Vân Cốc), huyện Phúc Thọ; 4-Đê , kè, cống Cẩm Hà, Tân Hưng - Bắc Phú (Hữu Cầu), huyện Sóc Sơn); (5)- Sự cố nứt đê tại K46+160 đê hữu Hồng, huyện Đan Phượng11 vị trí đê điều xung yếu cần lập phương án bảo vệ.

Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã giao Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mỗi mùa mưa lũ; xác định các vị trí đê trọng điểm, xung yếu để xây dựng, phê duyệt phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2021.

Để nâng cao kỹ năng xử lý các sự cố đê điều, Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện để bảo vệ đê; thường xuyên tổ chức tập huấn xử lý các tình huống cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp cơ sở đánh giá đúng khả năng sẵn sàng ứng phó, xử lý các sự cố đê điều, tình huống thiên tai, nhằm nâng cao hiệu quả công tác hộ đê.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Du, Chi Cục trưởng Chi cục phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết: Để bảo vệ hiệu quả các tuyến đê trước mỗi mùa mưa lũ, đơn vị luôn coi việc bảo vệ hệ thống đê điều là nhiệm vụ thường xuyên. Công tác tu bổ, nhất là tại các vị trí, địa bàn trọng điểm, có đê xung yếu đã được đơn vị chuyên trách sát sao thực hiện; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu, theo phương châm "4 tại chỗ".

Hà Nội: Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều để giảm nhẹ thiên tai
Cán bộ Chi cục phòng, chống thiên tai Hà Nội đi thị sát thực tế một tuyến đê xung yếu trên địa bàn.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các dự án xử lý cấp bách, khắc phục hư hỏng công trình đê điều, tập trung thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ; một số công trình hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2021 đã chống lũ hiệu quả.

Cùng với việc giữ an toàn hệ thống đê điều, công tác tuyên truyền về Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai cũng được tăng cường đẩy mạnh. Đáng chú ý, việc thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” do Bộ Nông nghiệp & PTNT phát động từ năm 2016 được triển khai ở các địa bàn thuộc Thành phố đã thực sự tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng lấn chiếm, nâng cao ý thức bảo vệ, tự quản hành lang đê điều trong nhân dân.

Đồng thời, công tác quản lý, xử lý vi phạm đê điều cũng được ngành chức năng địa phương thực hiện nghiêm. Trong năm 2021 công tác kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm được thực hiện kịp thời , đặc biệt sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý đê chuyên trách và các ngành chức năng liên quan nên số vụ vi phạm giảm và công tác xử lý hiệu quả hơn.

"Để tăng cường đảm bảo an toàn hệ thống đê điều để giảm nhẹ thiên tai, đồng thời thực hiện nghiêm pháp luật đê điều, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cấp trên, phối hợp với các quận, huyện, thị xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các tuyến đê để kịp thời phát hiện hư hỏng, sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình.

Bên cạnh đó sẽ tập trung kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; phối hợp với cơ quan chức năng và đơn vị liên quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vi phạm tái diễn, tồn đọng, đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận..” - Ông Nguyễn Duy Du, Chi Cục trưởng Chi cục phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết thêm.

Để chủ động công tác phòng, chống thiên tai, ngay từ đầu năm 2021 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn nghiêm túc quán triệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chương trình số 05 của Thành ủy Hà Nội về "Ðẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2025".

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 cụ thể, sát thực tế của địa phương, đơn vị; triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"...

Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời khi xảy ra thiên tai. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện hư hỏng, sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để toàn thể nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động