Hà Nội: Sớm hoàn thiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí

01/05/2023 21:58 Tác động môi trường
Tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND thành phố di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi nội đô...

Chưa thực sự vào cuộc quyết liệt

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái, công tác bảo vệ môi trường, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc quản lý chất lượng không khí mang tính chất liên vùng, liên tỉnh cần sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố và nhiều sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế công tác phối hợp giữa các đơn vị trên địa bàn chưa đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch; tái sử dụng bếp than tổ ong; đốt rác thải sinh hoạt tại các làng nghề... vẫn diễn ra do một số quận, huyện chưa vào cuộc quyết liệt dù Sở Tài nguyên - Môi trường đã tăng cường đôn đốc. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, đặc biệt tại các làng nghề chưa đầu tư hệ thống xử lý bảo vệ môi trường.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng chỉ rõ, một số huyện ngoại thành đang gặp không ít khó khăn trong thu gom, vận chuyển rác thải do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ đi lại khó khăn nên vẫn xảy ra tình trạng đổ, đốt rác thải không đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng không che chắn; khí thải của các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy; những diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt... cũng là những nguyên nhân tác động tiêu cực đến chất lượng không khí Thủ đô.

Hà Nội: Sớm hoàn thiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí
Đốt rơm rạ sau thu hoạch là một trong những tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Thủ đô

Về dự án lắp đặt hoàn thiện mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, ông Mai Trọng cho biết, tiến độ triển khai còn khá chậm so với kế hoạch. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến công tác bảo dưỡng, thay thế vật tư tiêu hao, linh kiện của các trạm quan trắc không khí tự động giai đoạn 2021 - 2022 gặp nhiều khó khăn; nhiều trạm quan trắc phải tạm dừng hoạt động. "Đây là lý do khiến chuỗi số liệu quan trắc không khí và cung cấp thông tin chất lượng không khí phục vụ công tác quản lý nhà nước bị gián đoạn", Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hà Nội cho biết.

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp

Để cải thiện, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: sẽ tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí. Cụ thể, sẽ cơ giới hóa, tăng tần suất công tác quét rác, hút bụi hàng ngày trên các tuyến đường; tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt; triển khai xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước các ao, hồ; dần thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng bếp than tổ ong; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện... Đồng thời, sẽ ban hành quy định, giám sát, quản lý, thắt chặt việc che chắn công trình khi phá dỡ và trong quá trình xây dựng; tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện chở vật liệu và phế thải xây dựng không đúng quy định.

Qua kiểm tra thực tế tại các quận, huyện trên địa bàn, Đoàn giám sát đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, đơn vị liên quan quan tâm hơn nữa đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường sông hồ, kênh rạch; di chuyển cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô; có cơ chế phân loại rác thải và hoàn thiện hệ thống vận chuyển rác thải sinh hoạt... Mặt khác, cần sớm rà soát lại hệ thống văn bản pháp lý, tiêu chuẩn quy chuẩn liên quan đến ô nhiễm không khí để vận dụng có hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô.

Theo Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đoàn Việt Cường, Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND thành phố di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi nội đô. Các sở, ngành của thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm; có hình thức khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

Ngọc Nha
https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/som-hoan-thien-ke-hoach-quan-ly-chat-luong-moi-truong-khong-khi-i326066/
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động