Hà Tĩnh: Nỗ lực giảm áp lực chất thải rắn sinh hoạt

21/11/2019 05:00 Quản lý nguồn thải
Ước tính mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 647 tấn, , trong đó, lượng rác thải thu gom mới chỉ đạt 68%. Các loại túi nilon, rác thải nhựa vẫn thải ra môi trường đang là vấn đề đáng báo động. 
Định hướng công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thanh Hóa

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đạt 70%, khu vực thành thị đạt 90%. 9 tháng đầu năm 2019, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trước, trong và sau Tết nguyên đán tại các địa phương trên toàn tỉnh; đồng thời, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt Đề án và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải, đến nay 13/13 đơn vị đã hoàn thành.

ha tinh no luc giam ap luc chat thai ran sinh hoat
Thành phố Hà Tĩnh đã phát hơn 16.000 giỏ phân loại rác thải cho người dân.

Bên cạnh các kết quả công tác trong lĩnh vựcquản lý đất đai, đo đạc bản đồ; khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo; lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn và đạt được một số kết quả khả quan. Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 90/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về Quy hoạch Bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đồng thời trình UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 07/12/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số lĩnh vực về bảo vệ môi trường đến năm 2025 và những năm tiếp theo và Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 79/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 về một số chính sách bảo vệ môi trường giai đoạn 2018- 2020 tỉnh. Sở cũng đã chủ trì kiểm tra, xử lý kiến nghị, khiếu nại về ô nhiễm môi trường tại các đơn vị như: các trang trại chăn nuôi lợn, một số hồ nuôi tôm, các bãi rác, bệnh viện, cơ sở kinh doanh v.v...; chỉ đạo UBND cấp huyện xử lý các kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng của Tổng cục môi trường và tiếp tục thực hiện giám sát công tác bảo vệ môi trường tại dự án Formosa, Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Nhiệt điện Vũng Áng 1 theo kế hoạch; tiếp nhận và giải quyết 94/103 hồ sơ công tác bảo vệ môi trường, số hồ sơ còn lại đang trong thời hạn giải quyết.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng, phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên phạm vi toàn tỉnh chậm, kéo dài, mặc dù quá trình thực hiện có gặp những khó khăn vướng mắc, có nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu vẫn là do các địa phương chưa thực sự quan tâm và tập trung thực hiện. Việc triển khai lắp đặt lò đốt tại các địa phương thực hiện chậm dẫn đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn (mới chỉ có 02/12 lò đốt đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương được lắp đặt, một số địa phương có nêu lý do khách quan (dân địa phương thiếu đồng thuận, gây cản trở), còn lại hầu hết các địa phương không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, việc bố trí ngân sách chậm, chưa bố trí đủ để cấp bù cho phần kinh phí vận chuyển, xử lý cũng gây không ít khó khăn cho việc triển khai Đề án tại các địa phương. Theo đó, đến nay nhiều địa phương đang còn tồn đọng khối lượng rác thải sinh hoạt khá lớn, chậm được thu gom, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là ở các huyện: Đức Thọ, Hương Khê, Thạch Hà,…. Số lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt nhiều nhưng việc lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành còn ít; Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc, yêu cầu các cơ sở thực hiện song kết quả đạt được chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành của các doanh nghiệp. Số điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường còn nhiều nhưng việc đầu tư, xử lý còn ít, chưa bố trí đủ nguồn lực để triển khai xử lý dứt điểm. Công tác kiểm tra giám sát các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề còn hạn chế. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên chưa thực sự hiệu quả, chưa huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; ý thức bảo vệ môi trường vẫn chưa trở thành thói quen, nếp sống của đa số dân cư.

Trước thực tế này, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đang nỗ lực Hoàn thiện các Dự thảo Hướng dẫn liên ngành về trình tự, hồ sơ, thủ tục thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách bảo vệ môi trường giai đoạn 2018 – 2020; Kế hoạch Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2018 – 2020; Hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian tới, Sở sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ: "Điều tra hiện trạng các bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn tỉnh"; kiểm tra tình hình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới xã đăng ký về đích; hướng dẫn các đơn vị kê khai, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại. Bên cạnh đó là tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết khắc phục vi phạm môi trường của Công ty Formosa và hoạt động vận hành sản xuất của lò cao số 1, số 2 của nhà máy thép Formosa.

Để giảm áp lực về rác thải đối với huyện Đức Thọ trong thời gian Công ty T-TECH chưa hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt lò đốt rác, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý với chủ trương cấp phát cho mỗi hộ gia đình 02 thùng rác nếu các hộ (thuộc các xã Đức Hòa, Đức Long, Tùng Ảnh, Đức Yên và thị trấn Đức Thọ) thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn; đồng thời bố trí đủ kinh phí để cấp bù cho các địa phương trong việc thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt với tổng kinh phí khoảng 48,23 tỷ đồng.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động