Định hướng công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thanh Hóa

10/11/2019 15:00 Quản lý nguồn thải
Nhằm tính toán được khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh ở từng vùng, khu vực làm cơ sở xác định quy mô, biện pháp xử lý phù hợp, "Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2019-2025" định hướng công tác thu gom, xử lý CTR với yêu cầu đảm bảo phạm vi thu gom có khối lượng rác thải được thu gom phù hợp với công suất của cơ sở xử lý rác thải; cự ly vận chuyển có bán kính tối đa 20km tính từ khu xử lý CTR.
Thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Thanh Hóa

Đối với các đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và vùng lân cận

Đến năm 2025, công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt được quy hoạch theo vùng thành mạng lưới các điểm xử lý CTR sinh hoạt tập trung có quy mô: Giai đoạn 1, công suất từ 200 - 500 tấn/ngày, giai đoạn 2, công suất 1.000 tấn/ngày; áp dụng công nghệ xử lý hỗn hợp hoặc công nghệ đốt để xử lý triệt để CTR sinh hoạt.

Căn cứ kết quả tính toán dự báo khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn các huyện đến năm 2025, khi đó, tỷ lệ thu gom rác thải trung bình cả tỉnh đạt 87%, các khu vực đô thị và khu công nghiệp lớn có dự án xử lý CTR trong tỉnh được quy hoạch, cụ thể là:

1) Khu vực thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và một phần huyện Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, các cụm công nghiệp, làng nghề trong vùng. Quy mô công suất trạm xử lý 500 tấn/ngày (giai đoạn 1) và 1.000 tấn/ngày (giai đoạn 2, sau năm 2025). Yêu cầu đất xây dựng 30 ha. Vị trí xây dựng tại Thung Chim, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn cách tương đối xa dân cư xã Đông Nam (đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư). Hình thức bố trí khu xử lý: Bố trí tập trung tại một địa điểm. Tổng cộng khối lượng xử lý tại Nhà máy xã Đông Nam, huyện Đông Sơn là 845,3 tấn/ngày.

(2) Khu vực thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và một phần các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Thạch Thành, các cụm công nghiệp, làng nghề trong vùng. Quy mô công suất trạm xử lý 500 tấn/ngày (giai đoạn 1) và 1.000 tấn/ng.đêm (giai đoạn 2, sau năm 2025). Yêu cầu đất xây dựng 15 ha. Vị trí xây dựng tại phường Đông Sơn thị xã Bỉm Sơn (đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư). Hình thức bố trí khu xử lý: Bố trí tập trung tại một địa điểm. Tổng cộng khối lượng xử lý tại Nhà máy là 431,2 tấn/ngày.

(3) Khu vực huyện Thọ Xuân và một phần huyện Triệu Sơn, các cụm công nghiệp, làng nghề trong vùng: Quy mô công suất 300 tấn/ngày (giai đoạn 1) và 500 tấn/ngày (giai đoạn 2). Yêu cầu đất xây dựng 10 ha; Vị trí xây dựng tại Đội 10 nông trường Sao Vàng (10-15 ha) xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Hình thức bố trí cơ sở xử lý: Tập trung tại một địa điểm. Tổng cộng khối lượng xử lý tại Nhà máy tại xã Xuân Phú là 294,1 tấn/ngày.

(4) Khu vực huyện Cẩm Thủy và một phần huyện Ngọc Lặc, các cụm công nghiệp, làng nghề trong vùng: Quy mô công suất 240 tấn/ng.đêm. Yêu cầu đất xây dựng 5,0 ha; địa điểm xây dựng tại khu vực xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thuỷ (đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư). Hình thức bố trí cơ sở xử lý tập trung tại một địa điểm. Tổng cộng khối lượng xử lý tại Nhà máy xã Cẩm Châu là 107,9 tấn/ngày.

(5) Khu vực đô thị Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia và các xã lân cận của huyện Như Thanh, các cụm công nghiệp, làng nghề trong vùng. Quy mô công suất trạm xử lý 200 tấn/ngày (giai đoạn 1) và 500 Tấn/ng.đêm (giai đoạn 2, sau năm 2025). Yêu cầu đất xây dựng 30 ha. Vị trí xây dựng tại thung lũng cách tương đối xa dân cư thuộc xã Trường Lâm. Hình thức bố trí khu xử lý: Bố trí tập trung tại một địa điểm. Địa điểm này đã được xác định theo quyết định phê duyệt quy hoạch chung khu kinh tế Nghi Sơn của Thủ tướng Chính phủ. Trên địa bàn khu kinh tế Nghi Sơn, thị trấn Tĩnh Gia và các xã phụ cận sẽ đặt các điểm thu gom tập trung vận chuyển (trung chuyển) rác thải về khu xử lý theo quy hoạch. Tổng cộng khối lượng xử lý tại Nhà máy xã Trường Lâm là 229,2 tấn/ngày.

(6) Khu vực thành phố Sầm Sơn, các cụm công nghiệp, làng nghề trong vùng: Quy mô công suất trạm xử lý 200 tấn/ngày. Yêu cầu đất xây dựng 14 ha. Vị trí xây dựng tại xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn. Hình thức bố trí khu xử lý: Bố trí tập trung tại một địa điểm. Toàn bộ khối lượng rác thải sinh hoạt của thành phố Sầm Sơn khoảng 94,7 tấn/ngày.

Tổng cộng khối lượng CTR sinh hoạt được xử lý tại 06 khu vực tập trung là 2.004,6 tấn/ngày, khối lượng CTR sinh hoạt còn lại được xử lý phân tán tại các khu xử lý hiện có của các địa phương là 990,2 tấn/ngày.

dinh huong cong tac thu gom xu ly chat thai ran sinh hoat cua tinh thanh hoa

Nhà máy xử lý rác thải xã Đông Nam, huyện Đông Sơn có công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày.

Đối với các xã vùng nông thôn, miền núi

Đến năm 2025, công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt ở khu vực các xã nông thôn, miền núi có nhiều phương án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR tùy theo khả năng về đất đai, vốn đầu tư để áp dụng công nghệ phù hợp. Vì vậy, việc quy hoạch các khu xử lý, biện pháp xử lý cần phù hợp với đặc điểm các vùng miền, điều kiện kinh tế- xã hội và điều kiện kinh tế của của địa phương.

1) Duy trì hoạt động xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt hiện có của các huyện. Tiếp tục duy trì các khu xử lý bằng công nghệ đốt hiện có trên địa bàn các huyện gồm: xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương; thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống; thị trấn Bút Sơn, xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa); xã Xuân Thành, Xuân Trường, Xuân Giang (huyện Thọ Xuân); xã Định Công, Yên Lạc, Yên Phong, Định Bình (huyện Yên Định); xã Nga Văn, Nga Nhân (huyện Nga Sơn); khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh; xã Xuân Bình (huyện Như Xuân); xã Tân Dân (huyện Tĩnh Gia); xã Hợp Thắng (Triệu Sơn). Tổng khối lượng rác xử lý tại các lò đốt hiện có là 504,0 tấn/ngày.

(2) Duy trì hoạt động của các bãi chôn lấp rác thải của các huyện. Khu vực các xã thuộc 6 huyện miền núi (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc) có khối lượng rác thải đến năm 2025 khoảng 151,7 tấn/ngày (chiếm khoảng 4,4% tổng lượng rác thải toàn tỉnh). Khu vực này địa bàn rộng lớn, dân cư thưa nếu vận chuyển đến cơ sở xử lý tập trung, cự ly vận chuyển CTR dài sẽ tăng giá thành xử lý. Do đó, đề xuất tiếp tục chôn lấp hợp vệ sinh và tăng cường công tác hướng dẫn, phân loại, xử lý tại hộ gia đình (đốt, chôn lấp trong vườn đồi). Tổng khối lượng rác xử lý tại các bãi rác hiện có là 151,7 tấn/ngày.

(3) Đầu tư xây dựng mới các khu xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt, hoặc công nghệ hỗn hợp trên địa bàn các huyện. Đầu tư mới các khu xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt hoặc công nghệ hỗn hợp tại các xã: Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, công suất 100 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng; khu xử lý bằng công nghệ đốt, công suất 50 tấn/ngày ở thị trấn Vạn Hà và xã Thiệu Tân (huyện Thiệu Hóa), nhu cầu diện tích 5 ha/khu xử lý; tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng/dự án; khu xử lý bằng công nghệ đốt, tại xã Định Tường, Yên Hùng (huyện Yên Định), tổng công suất 120 tấn/ngày; cải tạo nâng cấp lò đốt xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, công suất 50 tấn/ngày; thay đổi biện pháp xử lý CTR sinh hoạt tại bãi rác thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân sang công nghệ đốt, công suất 50 tấn/ngày; Tổng khối lượng rác xử lý tại các dự án đầu tư mới là 353,5 tấn/ngày.

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động