Thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Thanh Hóa

08/11/2019 11:34 Quản lý nguồn thải
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có tổng diện tích tự nhiên là 1.112.948 ha; có 27 huyện, thành phố, thị xã, gồm 635 xã, phường, thị trấn; quy mô dân số, tính đến tháng 5/2019 là 3.558.150 người. Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tỉnh Thanh Hóa đã đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) đô thị đạt 95%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn đạt 85%.
Hiện trạng phương tiện, thiết bị thu gom, tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong đô thị

1. Thực trạng phát sinh, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hàng ngày môi trường đang phải tiếp nhận một lượng lớn chất thải từ các hoạt động của con người; trong đó có CTR. CTR được hiểu là chất thải ở thể rắn hoặc sệt được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. CTR sinh hoạt là CTR phát sinh trong hoạt động thường ngày, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của con người.

Theo thống kê, tỷ lệ phát sinh CTR sinh hoạt trung bình đối với khu vực đô thị là 1,0 kg/người/ngày, khu vực nông thôn vùng đồng bằng, trung du, miền biển là 0,55 kg/người/ngày; khu vực nông thôn miền núi là 0,33 kg/người/ngày.

Theo tính toán, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh vào khoảng 2.013,1 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị là 537,9 tấn/ngày; khu vực vùng đồng bằng, trung du, miền biển là 1.196,4 tấn/ngày; khu vực nông thôn miền núi là 278,9 tấn/ngày.

CTR sinh hoạt có lượng và thành phần đa dạng, có sự khác nhau phụ thuộc vào mức sống người dân và sự phát triển công nghiệp, thương mại của từng địa phương; trong đó, CTR sinh hoạt hữu cơ chiếm 70-75%, CTR sinh hoạt vô cơ (như thủy tinh, kim loại) chiếm 25-30%; rác có thành phần nhựa chiếm 8-16% và CTR sinh hoạt nguy hại chiếm 1-2%.

Theo khảo sát, đánh giá cho thấy, công tác phân loại rác thải bước đầu đã được hình thành trong các khu dân cư, người dân tự phân loại, một phần CTR sinh hoạt có thể tái chế (giấy bìa các tông, kim loại, nhựa) được thu gom, bán cho cơ sở thu mua phế liệu; thức ăn thừa, sản phẩm thừa sau sơ chế rau, củ quả,... được tận dụng cho chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện triệt để và phù hợp với công tác xử lý, chủ yếu CTR sinh hoạt sau khi được vận chuyển về nhà máy xử lý hoặc lò đốt rác mới được phân loại sơ bộ để xử lý.

thuc trang cong tac thu gom van chuyen xu ly chat thai ran sinh hoat tren dia ban tinh thanh hoa
Chính quyền và doanh nghiệp huyện Như Thanh chung tay xử lý rác thải.

2. Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt

Tỷ lệ thu gom rác thải toàn tỉnh đến hết năm 2018 đạt khoảng 85%; trong đó, có 02 địa phương đạt tỷ lệ 100% (huyện Thọ Xuân, Như Thanh); 04 địa phương có tỷ lệ thu gom từ 90% đến dưới 100% (TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và huyện Đông Sơn); 13 địa phương có tỷ lệ thu gom từ 70 - 90% (huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Triệu Sơn, Nông Cống, Tĩnh Gia, Cẩm Thủy, Mường Lát, Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa và Nga Sơn), 08 huyện tỷ lệ thu gom từ 58,44% đến dưới 70% (huyện Lang Chánh, Thạch Thành, Như Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Sơn và Quan Hóa).

Khu vực đô thị (các phường và thị trấn): Đã tổ chức thu gom, xử lý CTR sinh hoạt phát sinh tại các khu dân cư, khối lượng thu gom được 484,5/537,9 tấn/ngày (đạt 90,1%). Người dân thực hiện tập kết CTR sinh hoạt tại các điểm tập kết ven các trục đường, khu trung tâm, hàng ngày có công nhân vệ sinh đi thu gom bằng xe đẩy tay và tập kết lên xe chuyên dụng vận chuyển CTR sinh hoạt về nơi xử lý. Đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt khu vực đô thị được giao cho các Công ty môi trường đô thị và Công ty quản lý công trình công cộng của các huyện.

Khu vực nông thôn vùng đồng bằng, trung du, ven biển: Khối lượng CTR thu gom được 1.036,7/1.196,4 tấn/ngày (đạt 86,6%). Hiện tại, mạng lưới thu gom CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn đã tổ chức thu gom tại các điểm dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng, khu ven đô thị và gần các khu vực trung tâm xã. Các khu dân cư còn lại được nhân dân sử dụng hố chôn lấp tại hộ gia đình theo hướng dẫn của chính quyền địa phương hoặc tự phát. Công tác thu gom được người dân tập kết CTR sinh hoạt ven trục đường chính, định kỳ HTX, tổ vệ sinh đi thu gom về điểm tập kết của xã sau đó, Công ty môi trường và quản lý công trình công cộng đến thu gom bằng xe chở rác chuyên dụng về bãi rác hoặc xử lý tại chỗ bằng lò đốt.

Khu vực nông thôn miền núi: Khối lượng chất thải thu gom được 190,9/278,9 tấn/ngày (đạt 68,5%). Mạng lưới thu gom CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn đã tổ chức thu gom tại các điểm dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực gần khu vực trung tâm xã và đưa về các bãi chôn lấp rác thải của thị trấn. Các khu dân cư còn lại được nhân dân sử dụng hố chôn lấp tại hộ gia đình theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Phương tiện thu gom, vận chuyển, kinh phí hỗ trợ

CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom, vận chuyển bằng các phương tiện xe chở rác chuyên dụng, xe ôtô tải, xe đẩy tay. Tuy nhiên, do số lượng xe được trang bị vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nên một số huyện vẫn còn phải sử dụng xe tải loại nhỏ, xe công nông hoặc các phương tiện thô sơ khác.

Theo số liệu thống kê của các huyện, toàn tỉnh có 33 công ty, 24 hợp tác xã, 91 tổ dịch vụ thu gom và 03 hộ gia đình nhận khoán tham gia công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Các phương tiện phục vụ thu gom, vận chuyển rác thải tương đối đa dạng từ thủ công, thô sơ đến cơ giới, bao gồm: Phương tiện thu gom rác: 2.120 xe đẩy tay, 360 xe gom rác cải tiến, 10 xe trâu bò, 81 xe rùa, 18 xe lôi, 03 xe ba gác; Phương tiện vận chuyển rác: 64 xe ép rác, 77 ô tô tải, 104 xe công nông, 24 xe còng còng, 06 xe cào cào, 58 xe ba bánh, 5 xe kéo, 20 xe thùng.

Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho 24 huyện, thị xã, thành phố mua 25 xe ô tô chuyên dùng để vận chuyển rác thải cho các huyện với tổng số tiền 6,035 tỉ đồng. Năm 2017, UBND tỉnh cấp 675 triệu đồng cho 45 xã đăng ký về đích nông thôn mới để mua xe chở rác đẩy tay (bình quân 5 xe/xã) và cấp hỗ trợ 2,025 tỉ đồng cho 45 xã để xây dựng các điểm tập kết, thu gom rác thải (phân bổ 45 triệu đồng/xã). Năm 2018, UBND tỉnh cấp 1,89 tỉ đồng cho 42 xã đăng ký về đích nông thôn mới để xây dựng các điểm tập kết, thu gom rác thải ở các khu dân cư tập trung (phân bổ 45 triệu đồng/xã).

3. Công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt

CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang được xử lý bằng hai hình thức chủ yếu như sau:

- Xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh: Trên địa bàn tỉnh có 18 khu xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh được đầu tư từ ngân sách nhà nước, 01 khu xử lý đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa (Bãi chôn lấp của Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn); ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các huyện đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh 222,162 tỉ đồng, tỷ lệ rác thải chôn lấp chiếm gần 90% khối lượng rác phát sinh. Trong 19 bãi chôn lấp có:

+ 13 bãi chôn lấp được đầu tư theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 24/10/2007 về phê duyệt Phương án hỗ trợ đầu tư bãi chứa, chôn lấp rác thải các thị trấn thuộc huyện, phục vụ phát triển bền vững, chủ yếu có công suất nhỏ (từ 3 đến 30 tấn/ngày), chiếm 68,4% số lượng bãi rác;

+ 03 bãi chôn lấp được đầu tư cải tạo, nâng cấp (bãi rác phường Đông Sơn, TX Bỉm Sơn; bãi rác thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống và bãi rác thành phố Sầm Sơn);

+ 01 bãi chôn lấp được đầu tư 100% nguồn vốn ngân sách tỉnh (bãi rác xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, công suất 250 tấn/ngày);

+ 01 bãi chôn lấp được đầu tư 100% nguồn vốn ngân sách huyện (bãi rác xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, công suất 25 tấn/ngày);

+ 01 bãi chôn lấp được đầu tư 100% nguồn vốn xã hội hóa (Bãi chôn lấp của Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn, công suất 50 tấn/ngày);

- Xử lý bằng công nghệ đốt: Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 khu xử lý CTR sinh hoạt tập trung bằng công nghệ đốt đang hoạt động; trong đó, có 17 khu xử lý được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và ngân sách xã, 09 khu xử lý được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Tỷ lệ rác thải xử lý bằng công nghệ đốt chiếm 10,7% khối lượng rác thải phát sinh.

- Xử lý bằng công nghệ hỗn hợp: Theo quy hoạch triển khai 02 dự án Khu liên hợp xử lý CTR bằng công nghệ hỗn hợp (Khu xử lý CTR xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, công suất 500 tấn/ngày; Khu liên hợp xử lý CTR sinh hoạt xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy, công suất 200 tấn/ngày), hiện nay chưa triển khai.

4. Công tác thu phí dịch vụ và cơ chế, chính sách hỗ trợ quản lý

Hiện nay, mức thu giá dịch thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt được thực hiện theo Quyết định số 3355/2017/QĐ-UBND ngày 07/9/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đối với hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt, các địa phương chưa thể áp dụng chung mức thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường, một số địa phương thành lập được các Tổ thu gom rác, còn phần lớn các địa phương đều phải đi thuê các HTX, công ty để thu gom, vận chuyển. Một trong những nguyên nhân là do các địa phương không có lò đốt rác thải hoặc bãi chôn lấp rác tập trung hoặc nếu có thì cũng không đủ chỗ chứa do lượng rác quá lớn đành phải vận chuyển rác đến một địa điểm khác. Từ đó, phí thu dịch vụ khác nhau tùy thuộc quãng đường vận chuyển khác nhau như: Huyện Đông Sơn, mức phí dịch vụ vệ sinh môi trường là 30.000 - 35.000 đồng/hộ/tháng; huyện Quảng Xương, mức phí thu là 25.000 đồng - 30.000 đồng/hộ/tháng, dự kiến tăng lên mức 35.000 đồng/hộ/tháng; huyện Hoằng Hóa, mức thu là 8.000-10.000 đồng/khẩu/tháng (cả thu gom, vận chuyển và xử lý); huyện Nông Cống và Thạch Thành, mức thu phí là 10.000 - 14.000 đồng/hộ/tháng; huyện Như Thanh, mức thu là 15.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng; thành phố Thanh Hóa, trước đây mức thu là 15.000 đồng - 20.000 đồng/hộ/tháng, hiện mức thu là 5.000 đồng/khẩu/tháng.

Theo báo cáo của UBND TP Thanh Hóa và Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Thanh Hóa, tổng số tiền thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường năm 2018 là 8,188 tỉ đồng/năm; trong đó, thu từ các hộ dân khoảng 4,0 tỉ đồng/năm, còn lại là thu từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị dịch vụ khác. Theo tính toán của thành phố Thanh Hóa, với mức thu như hiện nay, hằng năm ngân sách thành phố phải cấp bù cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt là 22,688 tỉ đồng/năm; trong đó, cấp bù cho đối tượng hộ gia đình là 17,026 tỉ đồng/năm; cấp bù cho đối tượng cơ quan, tổ chức khác là 5,662 tỉ đồng/năm.

Theo báo cáo của UBND thành phố Sầm Sơn, tổng số tiền thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường hiện là 3,386 tỉ đồng/năm, với mức thu như hiện nay, hằng năm ngân sách thành phố Sầm Sơn phải cấp bù cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt cho đối tượng hộ gia đình là 5,403 tỉ đồng/năm.

Giai đoạn 2017 - 2019, tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho hoạt động thu gom, duy trì vệ sinh và vận chuyển, xử lý môi trường (khu vực đô thị từ loại V trở lên) và xử lý chất thải sinh hoạt ở các khu vực còn lại là 454,379 tỉ đồng.

Đối với hoạt động xử lý CTR, thời gian qua, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, quy định, quyết định về cơ chế chính sách hỗ trợ xử lý CTR nhằm nâng cao năng lực quản lý, xử lý CTR sinh hoạt, như: Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2021 (mức hỗ trợ 320.000 đồng/tấn); Quyết định số 3355/2017/QĐ-UBND ngày 07/9/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Kết quả thực hiện, đến nay UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho các huyện đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với tổng kinh phí 222,162 tỉ đồng và cấp kinh phí cho 03 địa phương xử lý bằng công nghệ đốt với tổng kinh phí là 14,319 tỉ đồng (thị xã Bỉm Sơn, huyện Như Thanh, huyện Quảng Xương).

5. Tình hình thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn

Ngày 8/9/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 tại Quyết định số 3407/QĐ-UBND. Trong đó, có 05 khu xử lý trọng điểm của tỉnh và các khu xử lý tập trung tại các địa phương, cụ thể: Khu vực xử lý CTR sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, diện tích quy hoạch đến năm 2025 là 40 ha; Khu vực xử lý CTR sinh hoạt tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, diện tích quy hoạch đến năm 2025 là 25 ha; Khu vực xử lý CTR sinh hoạt tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, diện tích quy hoạch đến năm 2025 là 65 ha; Khu vực xử lý CTR sinh hoạt tại xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy, diện tích quy hoạch đến năm 2025 là 5 ha; Khu vực xử lý CTR sinh hoạt Thọ Xuân tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, diện tích quy hoạch đến năm 2025 là 25 ha.

Tại các huyện còn lại định hướng quy hoạch phát triển: Khu vực miền xuôi, miền núi thấp, quy hoạch các khu/cơ sở xử lý CTR tập trung theo cụm xã, thị trấn; Khu vực miền núi cao, Quy hoạch khu/cơ sở CTR tập trung cho khu vực đô thị và các xã lân cận; khu vực các xã miền núi cao khác thực hiện biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại các thôn, bản, hộ gia đình.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xử lý CTR theo quy hoạch còn rất chậm, đến nay, mới có 01/5 khu xử lý trọng điểm của tỉnh được đầu tư đi vào hoạt động (Khu xử lý chất thải rắn tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia của Công ty CP Môi trường Nghi Sơn); 01/5 khu xử lý trọng điểm của tỉnh đang trong giai đoạn đầu tư (Khu xử lý CTR tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Ecotech); các khu xử lý khác trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư. Các khu xử lý khác theo quy hoạch tại các huyện hầu như chưa triển khai.

thuc trang cong tac thu gom van chuyen xu ly chat thai ran sinh hoat tren dia ban tinh thanh hoa
Nhà máy xử lý rác thải tại huyện Đông Sơn có công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày.

6. Đánh giá chung

Trong thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt đã được quan tâm, đầu tư, tổ chức thực hiện đạt được các kết quả đáng khích lệ. Hàng năm, UBND tỉnh đã phân bổ ngân sách sự nghiệp môi trường cho các cấp thực hiện nhiệm vụ theo quy định; hỗ trợ các địa phương đầu tư bãi chôn lấp CTR sinh hoạt hợp vệ sinh, và lò đốt rác; hỗ trợ phương tiện vận chuyển cho các huyện, thành, thị nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cụ thể: Các cấp chính quyền đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt; Nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt nói riêng đã được nâng lên; Đã hình thành được hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt từ tỉnh đến huyện, xã và khu dân cư; CTR sinh hoạt ở khu vực đô thị cơ bản đã được thu gom, xử lý; ở khu vực nông thôn bước đầu được quan tâm xử lý; Nguồn lực đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt đã được tăng cường; phương tiện thu gom, vận chuyển, thiết bị xử lý CTR sinh hoạt đã được đầu tư; hỗ trợ đầu tư 18 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; đầu tư được 17 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, giải quyết tạm thời các bức xúc do CTR sinh hoạt gây ra tại địa phương.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch quản lý CTR sinh hoạt vẫn còn một số tồn tại, như: Khối lượng CTR sinh hoạt tăng nhanh do quy mô dân số của tỉnh tăng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng kéo theo nhiều chất thải phát sinh dẫn đến, một số khu xử lý CTR sinh hoạt sớm bị quá tải so với dự án đầu tư ban đầu (điển hình như: Bãi chôn lấp rác thải TP Thanh Hóa tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; Bãi rác TP Sầm Sơn; khu xử lý rác thải tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, khu xử lý CTR tại xã Hoằng Trường, bãi rác thị trấn Bút Sơn huyện Hoằng Hóa, bãi rác huyện Nông Cống, bãi rác huyện Lang Chánh….);

Tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người dân không chấp thuận các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý CTR trên địa bàn do lo ngại về ô nhiễm môi trường (điển hình như: xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia; xã Minh Sơn, Dân Lực, Vân Sơn huyện Triệu Sơn; xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn; xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc…. ) làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xử lý CTR. Trong khi đó, theo quy hoạch, nhiều huyện được bố trí từ 4-7 khu xử lý CTR, nhân dân địa phương phản ứng không đồng ý đầu tư khu xử lý rác thải trên địa bàn càng khó khăn cho việc thực hiện quy hoạch quản lý CTR, nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng nguồn ngân sách tỉnh, huyện chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc bố trí vốn đối ứng của nhiều địa phương chưa kịp thời theo tiến độ thực hiện dự án, một số dự án chủ yếu thực hiện phần vốn ngân sách tỉnh nên hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.

Hiện nay, vẫn còn một số địa phương chưa có khu xử lý CTR tập trung (Quan Hóa, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Hậu Lộc); các địa phương vùng miền núi địa hình phức tạp, mật độ dân cư thưa thớt nên việc thu gom, xử lý CTR còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi phải hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển đi xử lý gây tốn kém chi phí do phải vận chuyển đi xa.

Trong hoạt động thu gom CTR sinh hoạt, tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom còn thấp, có sự chênh lệch lớn ở các vùng miền, vẫn còn 11 huyện có đạt tỷ lệ thu gom rác thải dưới 80%, phân còn lại hiện đổ thải chưa đúng quy định; Phương tiện, trang thiết bị và lực lượng tham gia công tác thu gom, vận chuyển còn thiếu, chưa đảm bảo nhu cầu. Ngoài 3 đô thị (TP Thanh Hóa, Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn) được trang bị các xe cuốn, ép rác chuyên dụng, ở các huyện còn lại phương tiện thu gom rác chủ yếu là các xe tải nhỏ, xe hoán cải, xe công nông và xe thu gom đẩy tay; Bước đầu hình thành mạng lưới, tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, tuy nhiên còn mang tính tự phát, chưa có mô hình thống nhất để giao trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Công tác tuyên truyền về thu gom, xử lý CTR sinh hoạt và bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân, chưa có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị tại địa phương.

Hoạt động xử lý CTR sinh hoạt tại các bãi chôn lấp chưa được đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý nước rỉ rác, bộc lộ những nhược điểm khó khắc phục như: Nhu cầu sử dụng đất của các bãi chôn lấp lớn, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai; nước rỉ rác có mức độ ô nhiễm cao; công tác vận hành các bãi chôn lấp thường không đúng quy trình kỹ thuật; một số dự án được đầu tư đã lâu, công suất thiết kế các hố chôn lấp thấp so với nhu cầu thực tế, nên hiện tại đã quá tải, không còn khả năng chôn lấp hoặc đã xuống cấp dẫn đến bãi chôn lấp thực chất chỉ là nơi chứa rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các lò đốt chủ yếu có công suất nhỏ (từ 500 kg/h trở lên) được sản xuất và lắp ráp trong nước, chưa lắp đặt đầy đủ hệ thống cấp rác tự động, điều chỉnh nhiệt độ lò đốt và hệ thống xử lý khí thải; quá trình vận hành chủ yếu là thủ công. Lò đốt được đầu tư dàn trải dẫn tới việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí.

Một số lò đốt công suất lớn nhưng chưa lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống tự động hóa cho phân loại, nạp liệu, tháo xỉ; xử lý khí thải chưa đạt quy chuẩn cho phép theo QCVN 61-MT:2016 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Hầu hết dự án đầu tư lò đốt chưa có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, xác nhận hoàn thành công trình phục vụ giai đoạn hoạt động).

Việc triển khai dự án đầu tư xử lý CTR sinh hoạt thường vấp phải sự phản đối của nhân dân địa phương do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.

Hoạt động thu phí dịch vụ và hỗ trợ xử lý CTR sinh hoạt tại các huyện, thành phố, thị trấn đã được quan tâm, chỉ đạo công tác thu phí vệ sinh theo quy định. Tuy nhiên, mức phí và tỷ lệ thu phí còn rất thấp nên chưa đáp ứng duy trì mạng lưới thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt, chưa có quy định về giá tối đa dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt;

Mức thu giá dịch thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt theo Quyết định số 3355/2017/QĐ-UBND được thực hiện trên cơ sở bình quân các đối tượng phát thải hằng tháng. Qua thực tế cho thấy, chưa đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng khác nhau do khối lượng phát thải khác nhau, ví dụ: Một số cơ sở có mức thuế môn bài rất cao nhưng khối lượng rác thải rất ít (kinh doanh vàng, trang sức) nhưng các cơ sở có mức thuế môn bài thấp nhưng khối lượng rác thải rất nhiều (kinh doanh ăn uống, dịch vụ); hoặc giữa các khu trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, trường học, bệnh viện có mức phát sinh rác thải hằng ngày chênh lệch rất lớn nhưng mức thu bằng nhau là không hợp lý. Vì vậy, cần thiết phải tính toán mức giá theo thực tế khối lượng phát sinh của cơ sở.

Các yêu cầu đối với dự án xử lý CTR sinh hoạt để được hỗ trợ theo Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND còn tương đối cao, chưa thực sự khuyến khích đa dạng hóa các loại hình công nghệ xử lý CTR, nhất là trong xu thế khuyến khích tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng của nước ta theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Mức hỗ trợ xử lý CTR sinh hoạt theo Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND còn thấp (320.000 đồng/tấn) nên thời gian qua chưa khuyến khích được nhiều nhà đầu tư tham gia xã hội hóa đề xuất chủ trương đầu tư khu xử lý CTR trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 về công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý CTR sinh hoạt; trong đó: Chi phí xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt từ 320.000 đồng/tấn đến 500.000 đồng/tấn; chi phí xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ chế biến phân vi sinh kết hợp đốt từ 220.000 đồng/tấn đến 410.000 đồng/tấn (tùy theo công suất, công nghệ xử lý).

Thu Trang (tổng hợp)
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động