Hải Phòng: Coi trọng công tác bảo vệ môi trường

17/09/2022 16:26 Địa phương
Thời gian qua, Hải Phòng rất coi trọng các hoạt động bảo vệ môi trường, được các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng, nghiêm túc thực hiện.

Công khai số điện thoại đường dây nóng

Thực hiện quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường. UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Văn bản 5036/UBND-MT yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện công khai số điện thoại Đường dây nóng và thư điện tử tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí cán bộ chịu trách nhiệm tổ chức vận hành hệ thống Đường dây nóng cấp thành phố; tổ chức tuyên truyền và công khai kết quả hoạt động của Đường dây nóng trên địa bàn thành phố. Tổ chức hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thiết lập, vận hành, quản lý đường dây nóng cấp huyện và cấp xã. Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và Khu kinh tế, KCN, Công an thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các nội dung của Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường ban hành kèm theo Quyết định 174 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường tiếp nhận, vận hành và hướng dẫn sử dụng hiệu quả Hệ thống thông tin nhằm quản lý thống nhất thông tin, dữ liệu liên quan đến đường dây nóng. Bố trí kinh phí thường xuyên từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho hoạt động của Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố theo quy định.

UBND các quận, huyện cập nhật số điện thoại và thư điện tử Đường dây nóng đảm bảo thực hiện theo quy định (nếu có điều chỉnh) đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 5 Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường; tiếp nhận và vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin nhằm quản lý thống nhất thông tin tiếp nhận, kết quả xử lý thông tin và xử lý vụ việc được phản ánh qua đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương.

Chỉ đạo UBND cấp xã thiết lập, cập nhật số điện thoại và thư điện tử để tiếp nhận và vận hành hiệu quả đường dây nóng về ô nhiễm môi trường theo Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.

Giao Công an thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và Khu kinh tế, khu công nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện để xác minh thông tin, xử lý vụ việc được phản ánh qua Đường dây nóng về môi trường trên địa bàn thành phố.

Giúp Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trên thực tế, tại một số vùng sản xuất nông nghiệp thuộc các quận, huyện của thành phố, chai lọ, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng không có chỗ chứa, nông dân vẫn tùy tiện vứt bừa bãi ngoài cánh đồng, trên đường đi, nơi pha thuốc, bờ mương, bờ ruộng… Vỏ thuốc bảo vệ thực vật tồn dư lâu năm sẽ bị vùi xuống lòng đất, không phân hủy được, ngấm vào mạch nước ngầm khiến môi trường đất và nước, không khí bị ô nhiễm.

Hải Phòng: Coi trọng công tác bảo vệ môi trường
Bể thu gom vỏ bao vì thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng sản xuất tập trung thôn Chùa dưới xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng,TP. Hải Phòng.

Để chung tay góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng và giữ sạch môi trường sinh thái, Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã phát động phong trào hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường năm 2022, xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân xây bể chứa và thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng” tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

Để góp phần lan tỏa ý thức, thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông chưa được thu gom đúng cách, Hội Nông dân thành phố Hải Phòng hỗ trợ xây dựng, lắp đặt 10 bể thu gom vỏ bao vì thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng sản xuất tập trung thôn Chùa dưới xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, hướng dẫn bà con nông dân thu gom vỏ bao vì thuốc bảo vệ thực vật về đúng nơi quy định.

Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân Hải Phòng cho biết: Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố chỉ đạo mỗi xã thành lập một mô hình " Nông dân tham gia bảo vệ môi trường", Tổ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng"… Hiện nay, các cấp Hội đã duy trì và thành lập được 1.127 mô hình Bảo vệ môi trường gồm nhiều hình thức, như: Mô hình Bể thu gom Vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, rác thải nhựa; Tổ thu gom rác thải sinh hoạt, nhóm CLB tình nguyện Chủ nhật xanh, tuyến đường cây xanh kiểu mẫu do nông dân quản lý có 1.033 tổ đội thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn nông thôn; có trên 529 tuyến đường cây xanh, tuyến đường hoa do "Nông dân trồng và tham gia quản lý".

Khuyến khích người dân dùng chai thủy tinh thay thế chai nhựa

Nhằm mục đích kêu gọi người dân sử dụng chai thủy tinh thay thế chai nhựa, Đoàn thanh niên 2 phường Hàng Kênh và Trại Cau (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã phối hợp tổ chức chương trình “Ra mắt mô hình chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa và ra quân tổ công nghệ số cộng đồng”.

Hải Phòng: Coi trọng công tác bảo vệ môi trường
Việc tặng chai thủy tinh, khuyến khích sử dụng thay thế chai nhựa nhận được phản hồi rất tích cực từ người dân

Như đã biết, rác thải nhựa tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Ở Việt Nam, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 01 kg túi nylon mỗi tháng và hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Đáng nói, điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất rất khó phân hủy của nó; ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng của cây trồng và các loài động, thực vật…

Việc trao tặng cho người dân các sản phẩm thân thiện với môi trường, cụ thể là chai thủy tinh của Đoàn thanh niên phường Hàng Kênh và phường Trại Cau nhằm khuyến khích người dân dần thay đổi thói quen này. Qua đó, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày.

Bất ngờ được tặng chai đồ uống thủy tinh, một người dân phường Hàng Kênh, chia sẻ, tôi rất vui vì Đoàn thanh niên đã có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống: “Gia đình tôi hầu như không dùng đồ nhựa (loại nhựa không thể tái chế) vì hiểu được tác hại lâu dài của chúng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, mỗi khi đi chợ, các tiểu thương vẫn đựng thực phẩm bán cho chúng tôi bằng túi nylon hay cốc nhựa. Tới đây, tôi sẽ bỏ sẵn các hộp an toàn, cặp lồng… vào trong cốp xe máy để đựng thực phẩm” mỗi khi ra chợ.

Doanh nghiệp nghiêm túc bảo vệ môi trường

Đóng chân trên địa bàn xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng), Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (TPC Hải Phòng) hiện đang vận hành 2 nhà máy nhiệt điện với 4 tổ máy có tổng công suất 1.200MW. Hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện, công tác bảo vệ môi trường được công ty đặc biệt chú trọng.

Hải Phòng: Coi trọng công tác bảo vệ môi trường
Khuôn viên nhà máy xanh, sạch, đẹp của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng

Hàng năm, công ty sử dụng khoảng 3,4 triệu tấn than. Than nhập về qua cầu cảng được vận chuyển tới kho chứa bằng hệ thống băng tải kín để bụi than không bay ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, công ty còn lắp đặt hệ thống phun sương ở khu vực cảng và kho chứa để dập bụi, đảm bảo môi trường không khí không bị ô nhiễm.

Đối với lượng tro xỉ phát sinh, công ty đã ký hợp đồng chuyển giao tro xỉ cho các đơn vị có chức năng xử lý tro xỉ để làm vật liệu xây dựng và đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy, bảo đảm đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Công ty đã lập và triển khai thực hiện Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, lượng tro xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất của công ty đã được tiêu thụ 100%, kể cả lượng tro xỉ trong các hồ chứa.

Công ty cũng đã xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo đúng thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, công ty lắp đặt các ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về môi trường như: Hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP); hệ thống khử SO2 trong khí thải (FGD); áp dụng công nghệ đốt kiểu phân cấp để giảm thiểu khả năng tạo NOx; hệ thống xử lý nước thải sản xuất; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu; hệ thống thu gom nước mưa tràn mặt. Chất lượng khí thải, nước thải sau hệ thống xử lý đều đạt các quy chuẩn hiện hành về môi trường theo quy định.

Các chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt đều được công ty phân loại ngay tại nguồn phát sinh, sau đó được thu gom và chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý theo đúng quy định. Đối với khí thải, công ty đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, kết nối online về Sở Tài nguyên & Môi trường của địa phương để theo dõi giám sát.

Hàng năm, công ty đều tổ chức tốt công tác huấn luyện và diễn tập các tình huống ứng phó sự cố như: sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất,…cho các lực lượng đội ứng phó sự cố khẩn cấp và cán bộ công nhân viên để nâng cao ý thức trong việc ứng cứu sự cố cũng như bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, công ty đã “xanh hóa” khuôn viên nhà máy với việc trồng khoảng 12ha cây xanh cảnh quan và trồng cây phi lao làm hàng rào viền ngăn bụi tại khu vực cảng than, kho chứa than và hồ thải xỉ…

Công ty đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về môi trường theo đúng quy định của pháp luật như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép khai thác nước mặt, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, các kế hoạch ứng phó sự cố môi trường,...

Với việc chính quyền, người dân, doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng tích cực chung tay bảo vệ môi trường, tin rằng thời gian tới, vấn đề môi trường trên địa bàn sẽ ngày càng được tốt hơn, đưa chất lượng cuộc sống của người dân Đất Cảng không ngừng nâng cao.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động